No title...
No title...
No title...
Giải pháp xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc Hà
Lượt xem: 505
CTTĐT - Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới, nằm ở phía Bắc nơi địa đầu Tổ quốc. Trong những năm qua, để phát triển du lịch dịch vụ gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao của các địa phương. Tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm khuyến khích các địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến quảng bá sản phẩm góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững; đồng thời cũng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng chất lượng cao của tỉnh như chè Shan tuyết, Cam sành, thịt Bò vàng, đặc biệt là Mật ong Bạc Hà… trên các sàn giao dịch điện tử để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và sử dụng các sản phẩm chất lượng tốt nhất. 

Theo số liệu ước năm 2023 của Cục Thống kê tỉnh Hà Giang: Hiện nay tổng số đàn ong 4 huyện vùng Cao nguyên đá ước đạt: 43.858 tổ (huyện  Đồng Văn 12.213 tổ, Mèo Vạc 18.000 tổ, Yên Minh 7.225 tổ, Quản Bạ 6.420 tổ). Sản lượng mật ong bạc hà năm 2023 ước đạt khoảng 247,96 tấn (huyện Đồng Văn 62,29  tấn, Mèo Vạc 94,5 tấn, Yên Minh 20,55 tấn, Quản Bạ 70,62 tấn). Giá trị sản xuất theo giá hiện hành thu được 29.546,9 triệu đồng (Mèo Vạc 11.260,8 triệu đồng, Đồng Văn 7.422,1 triệu đồng, Yên Minh 2.448,8 triệu đồng, Quản Bạ 8.415,2 triệu đồng). Toàn tỉnh có 15 doanh nghiệp, HTX thực hiện chăn nuôi, sơ chế chế biến sản phẩm mật ong.

Anh-tin-bai

Sản phẩm Mật ong Bạc hà Hà Giang được giới thiệu quảng bá tại các sự kiện quan trọng của tỉnh.

Giai đoạn 2019-2020, Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản) đã phối hợp với UBND các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ tổ chức triển khai hỗ trợ chứng nhận sản phẩm phù hợp quy trình VietGAHP trong chăn nuôi và Tiêu chuẩn HACCP trong sơ chế, chế biến mật ong được 27 giấy/14 chủ thể (cơ sở), gồm: VietGAHP 13 giấy chứng nhận, HACCP 14 giấy chứng nhận. Trong đó: Huyện Mèo Vạc (04 giấy VietGAHP, 04 giấy HACCP); Huyện Đồng Văn (03 giấy VietGAP, 05 giấy HACCP); Huyện Yên Minh (03 giấy VietGAHP, 02 cơ sở HACCP); Huyện Quản Bạ (03 giấy VietGAHP, 03 giấy HACCP).

Để nâng tầm giá trị thương hiệu các sản phẩm nông sản đặc hữu chất lượng cao của tỉnh, gắn với đẩy mạnh hỗ trợ tìm kiếm thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm các sản phẩm chất lượng cao của tỉnh như Mật ong Bạc hà, Chè, Bò vàng… với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công Thương, đã tạo điều kiện tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương. Qua đó, đã nâng tầm giá trị cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hà Giang, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản.

Một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, trong đó có sản phẩm mật ong Bạc Hà đã tạo được thị trường ổn định ở trong nước, tham gia vào các hệ thống phân phối hiện đại, như siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử… và xuất khẩu sang thị trường một số nước. Đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của tỉnh trong chính sách phát triển cây trồng, vật nuôi. 

Anh-tin-bai

Mật ong hoa Bạc Hà được trồng trên Cao nguyên đá có màu vàng chanh, sánh đặc, thơm vị đặc trưng.

Đến nay, tỉnh Hà Giang có 08 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và 10 chuỗi giá trị được tỉnh phê duyệt; một số sản phẩm đã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, đến nay tỉnh đã đánh giá, phân hạng cho 199 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao cấp tỉnh và 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao. 

Xác định công tác xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quan trọng để kết nối các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực tham mưu thực hiện các chính sách của Trung ương, địa phương để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hội chợ triển lãm cấp vùng; tham gia Hội nghị xúc tiến thương mại, Hội nghị kết nối cung cầu tại tỉnh Hà Giang và tại các tỉnh, thành phố… Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, đã tạo điều kiện cho các đơn vị quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung và sản phẩm mật ong Bạc Hà nói riêng đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong cả nước. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay sản phẩm mật ong và một số sản phẩm của tỉnh có quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế để phát triển trở thành hàng hóa đặc trưng. Nhiều sản phẩm đặc hữu có chất lượng tốt, nhưng chủ yếu vẫn tiêu thụ ở dạng thô hoặc mới qua sơ chế, dẫn đến giá trị sản phẩm không cao, khó cạnh tranh với sản phm cùng loại trên thị trường. Các hình thức liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững. Công tác quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế… Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực nên chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh (đa phần các doanh nghiệp, đơn vị không có nhân viên quản trị mạng, dữ liệu công nghệ thông tin, quản trị các sản phẩm, gian hàng của mình trên sàn giao dịch, dẫn đến khó khăn, hạn chế trong việc tiếp nhận các thông tin, đơn hàng và giải quyết đơn hàng cho khách hàng).

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc Hà trong niên vụ 2023 - 2024 và những niên vụ tiếp theo, Sở Công Thương tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với 04 huyện vùng Cao nguyên đá trong việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của tỉnh. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thay đổi tư duy, nhận thức của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất trong việc hoạch định, sản xuất, chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hoá nông sản theo quy luật của thị trường.

Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; rà soát, quy hoạch phát triển hình thành vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với những sản phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường (theo quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý); hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở sản xuất áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh, như: Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 20/5/2021 của UBND tỉnh về xúc tiến quảng bá du lịch và thương mại tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 21/10/2020 của UBND tỉnh về phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 21/02/2022 của UBND tỉnh về hành động thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2022-2025”… 

Tiếp tục triển khai công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm mật trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, mạng xã hội zalo, facebook... để người tiêu dùng tiếp cận, tìm hiểu thông tin về sản phẩm thuận lợi, nhanh chóng, tạo sự lan tỏa đến người tiêu dùng.

Duy trì, phát triển công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống kênh phân phối lớn, hiện đại tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối và các sàn thương mại điện tử...; tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trọng điểm do Bộ Công Thương, các tỉnh thành phố lớn tổ chức, nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản ổn định tại thị trường trong nước.

Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm và hỗ trợ bao bì, tem điện tử truy xuất nguồn gốc để giữ vững thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực về kỹ năng quản trị doanh nghiệp; kỹ năng xúc tiến, quảng bá và bán sản phầm bằng hình thức truyền thống và ứng dụng thương mại điện tử…

Lan Phương - Thu Hương
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1