No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
Hà Giang nỗ lực phát triển các sản phẩm OCOP
Lượt xem: 214
CGTĐT - Trong những năm qua, với mục tiêu phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từng khu vực để phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tỉnh Hà Giang đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, trong đó có chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều sản phẩm chủ lực mang nét đặc trưng riêng như Chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, cam sành, dược liệu, thêu rệt thổ cẩm và các sản phẩm truyền thống khác… được xây dựng, phát triển, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, đẹp về mẫu mã, hình thức, được người tiêu dùng, khách tham quan du lịch ưa thích, sử dụng; trở thành thương hiệu riêng, giúp người dân vùng cao biên giới nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

20.3 san pham ôc.jpg

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh.

Có thể thấy, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được tỉnh Hà Giang triển khai, thực hiện từ năm 2018 với mục tiêu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng và cải thiện đời sống nhân dân. Kết quả cho thấy, qua 7 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã có 203 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 197 sản phẩm đạt 3 sao, 04 sản phẩm đạt 4 sao và 02 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh từ 42,61% cuối năm 2023 xuống còn 36,35% năm 2024; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 35.822,8 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 39,3 triệu đồng/người/năm, tăng 3,7 triệu đồng so với năm 2023; giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động tại địa phương…

sp ocp.jpg

Các sản phẩm đặc trưng truyền thống của địa phương với mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Có được kết quả trên, ngay từ khi mới triển khai, thực hiện Chương trình, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình OCOP như: Tổ chức nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đầu tư trang thiết bị để tạo động lực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh phát triển như: Hỗ trợ đổi mới Công nghệ cho một số doanh nghiệp, HTX bao gồm (Chuyển giao công nghệ Triết xuất chất polyphenol từ búp trà Shan tuyết cổ thụ; máy sấy chè công suất 400kg sản phẩm/giờ; máy dập viên hoàn sản phẩm thảo dược, máy trưng cất rượu; máy đóng gói chè túi lọc và máy sấy hương chè khay xoay. Hỗ trợ một số doanh nghiệp, HTX tiêu biểu xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, quy chuẩn kỹ thuật và áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đạt giải thưởng chất lượng Quốc gia. Xây dựng cổng truy suất hagiangtrace.com; Hỗ trợ tem điện tử thông minh cho một số sản phẩm Cam, Chè và Mật ong. 

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan truyền thông của tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố tập trung xây dựng các chuyên mục, bài, phóng sự về chương trình, tập trung tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website của đơn vị, tại các hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, huyện, xã; các cuộc họp, hội nghị của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp...; xây dựng Website Chương trình OCOP (https://ocop.hagiang.gov.vn); và trên các fanpage Thông tin Hà Giang, trên zalo, youtobe, hệ thống biển LED và các hệ thống số về các bài viết giới thiệu về các sản phẩm OCOP của tỉnh và quảng bá sản phẩm qua hội chợ OCOP, kênh trực tuyến như Zalo, Facebook, Shopee... đã thu hút hàng nghìn lượt người quan tâm. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận an toàn thực phẩm để giúp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn và gia tăng giá trị, áp dụng công nghệ vào sản xuất, và quảng bá sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử. Đặc biệt, Chương trình OCOP đã tạo ra cơ hội giúp nông dân liên kết, xây dựng hợp tác để sản xuất ra sản phẩm, quan trọng hơn là sản phẩm OCOP đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp sức tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, đúng với mục tiêu mà Chính phủ hướng tới trong phát triển kinh tế, xã hội là phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. 

Nhiều chủ thể tiêu biểu điển hình trong triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm như: HTX du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp thôn Nậm Hồng xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tạo nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao đã tham gia chương trình OCOP, được tỉnh đánh giá xếp hạng 4 sao; điểm Du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, với hình thức chủ thể là Tổ hợp tác được tỉnh đánh giá đạt 3 sao; Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì có 02 sản phẩm được Trung ương đánh giá đạt 5 sao cấp Quốc gia; Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn huyện Bắc Mê với dây chuyền chế biến Củ nghệ tươi tại địa phương thành nhiều dòng sản phẩm giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, mang lại nguồn thu cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng với 3.000 đàn ong tại xã Tả Lủng huyện Mèo Vạc; Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm tại thôn Nặm Đăm xã Quản Bạ huyện Quản Bạ; Công ty cổ phần dược liệu Bông sen vàng tại xã Hùng An huyện Bắc Quang chuyên sản xuất các loại trà dược liệu từ nguyên liệu địa phương, tốt cho sức khỏe con người, được Bộ Y tế chứng nhận đạt GMP, Công ty đã liên kết với người dân trên địa bàn để trồng chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu… 

Phát huy những kết quả đạt được, mục tiêu của tỉnh Hà Giang trong thời gian tới là phấn đấu đưa thêm 50 sản phẩm OCOP vào danh mục, trong đó 5-10 sản phẩm đạt 4 sao, 2-3 sản phẩm đạt 5 sao quốc gia. Mở rộng thị trường, tăng số doanh nghiệp tham gia OCOP lên trên 300 doanh nghiệp, hợp tác xã. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử trong quá trình quảng bá và bán hàng. Tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư từ doanh nghiệp, các tổ chức tài chính. Tăng cường kết nối thị trường, phát triển các gian hàng OCOP trên các sàn thương mại điện tử, tổ chức các chuyến kết nối doanh nghiệp với hệ thống siêu thị, nhà phân phối. Và nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị, quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc gia và quốc tế. 

Từ đó cho thấy, Chương trình OCOP ngoài mục đích phát triển kinh tế, còn có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết tạo việc làm giảm nghèo, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo, niềm tự hào của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường; Phát huy nguồn lực cộng đồng về tri thức quản trị, các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống của cư dân nông thôn, công nghệ, nguyên liệu địa phương và sự tham gia giám sát của cộng đồng. Chương trình OCOP đã và đang mở ra cơ hội lớn cho người dân và doanh nghiệp tại Hà Giang, góp phần mở rộng và nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới mục tiêu OCOP bền vững và mang lại thu nhập cao hơn cho người dân.

Lan Phương
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1