No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
Hoạt động xuất nhập khẩu ở Hà Giang có nhiều khởi sắc
Lượt xem: 59
CGTĐT - Với vị trí địa lý tiếp giáp Trung Quốc, hệ thống cửa khẩu quốc tế và tài nguyên nông – lâm sản phong phú, Hà Giang có tiềm năng lớn trong phát triển thương mại biên giới và xuất nhập khẩu hàng hóa. Từ đầu năm đến nay, mặc dù còn gặp không ít khó khăn về hạ tầng và chính sách biên mậu, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới.

Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy – Thiên Bảo.

Kết quả cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn từ đầu năm đến hết tháng 4 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 106,723 triệu USD, tăng 43,74% so với cùng kỳ năm trước, đạt 21,34% so với kế hoạch giao. Chỉ tính riêng trong quý I năm 2025 đạt khoảng 73,979 triệu USD, tăng 45,22% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó: Xuất khẩu ước đạt 43,969 triệu USD, tăng 1.13%; nhập khẩu đạt 29,829 triệu USD, tăng 30,627% so với cùng kỳ. Riêng tháng 4, hoạt động xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy – Thiên Bảo cơ bản ổn định. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 32,926 triệu USD, tăng 35,9% so với tháng trước, tăng 40,5% so với cùng kỳ. 

Với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là Antimon, hạt cà phê, gỗ dán công nghiệp, ván bóc, nông sản tươi (chuối, dưa hấu, cam), tinh bột sắn, chè và một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Hàng nhập khẩu chủ yếu là hoa quả tươi, máy móc các loại, năng lượng điện, than cốc, thiết bị thủy điện, nhôm dây không hợp kim, nhôm hợp kim dạng thỏi. Đặc biệt, hoạt động tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy – đầu mối giao thương chính với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tiếp tục là điểm sáng khi lượng phương tiện và hàng hóa thông quan tăng đều so với cùng kỳ.

Để tiếp tục phát huy lợi thế, vị trí địa kinh tế chiến lược trong hợp tác kinh tế biên giới Việt – Trung, Hà Giang đã và đang triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống cửa khẩu, lối mở đã được quy hoạch và nâng cấp; đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy, đáp ứng nhu cầu giao thương tăng cao.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu như: Tổ chức các hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến thương mại nông sản sang thị trường Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện hồ sơ, quy trình kiểm dịch đối với người, phương tiện và hàng hóa qua cửa khẩu chặt chẽ, đúng quy định; truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại cửa khẩu để giảm thời gian thông quan, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa nhanh chóng.

Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh cũng thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến để kiến nghị với Trung ương về các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu nông sản, đặc biệt trong bối cảnh thị trường Trung Quốc có nhiều thay đổi về chính sách.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay vẫn còn gặp không ít thách thức như: Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Thanh Thủy – Thiên Bảo chưa phong phú, đa dạng, chủ yếu là hàng nông sản thô chưa qua sơ chế. Hàng hóa qua cửa khẩu chịu nhiều ảnh hưởng do những thay đổi điều chỉnh chính sách của Trung Quốc; việc xuất khẩu nông sản đối với trái cây tươi như sầu riêng và mít gặp khó khăn do phía Trung Quốc tăng cường công tác kiểm dịch chất Vàng O và chất Cadimin. Nhiều xe hàng có giấy tờ kiểm dịch vẫn bị trả lại; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu, chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường quốc tế; việc thông quan hàng hóa vẫn còn phụ thuộc nhiều vào chính sách tạm thời của phía Trung Quốc. Hoạt động xuất khẩu chính ngạch vẫn chiếm tỷ trọng thấp, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch và trao đổi cư dân biên giới còn chiếm phần lớn, dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời vụ và chính sách kiểm soát biên giới.

Các container đang làm thủ tục xuất hàng sang cửa khẩu Thiên Bảo(Trung Quốc)

Để phát triển bền vững trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục: Đầu tư hạ tầng logistics tại cửa khẩu và vùng sản xuất hàng hóa, giảm chi phí và tăng tốc độ luân chuyển; hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản xuất khẩu, hạn chế phụ thuộc vào hàng tươi nguyên liệu; đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, giảm phụ thuộc vào tiểu ngạch, xây dựng thương hiệu hàng hóa của Hà Giang trên thị trường quốc tế; tăng cường đối thoại và phối hợp cấp cao với các tỉnh bạn phía Trung Quốc, để thúc đẩy thông quan thuận lợi và ổn định. 

Mong rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và sự chủ động của doanh nghiệp, tỉnh Hà Giang sẽ phát huy tốt vị trí cửa ngõ kinh tế biên giới để phát triển xuất nhập khẩu một cách hiệu quả, bền vững và hiện đại.

Lan Phương - Thanh Hà
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1