Đoàn Giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm việc với tỉnh Hà Giang
CTTĐT – Chiều ngày 15/11, tại trụ sở UBND tỉnh, Đoàn Giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Kim Oanh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Hà Giang giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về chuyển đổi số tại tỉnh. Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Lê Hoàng Hải, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Chuyên gia và chuyên viên Vụ KHCN&MT; Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông.
Dự buổi giám sát về phía tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang; Hoàng Văn Vịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Thái Hòa báo cáo công tác chuyển đổi số tại buổi làm việc.
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm trong đó quan tâm đẩy mạnh 03 trụ cột chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tập trung thúc đẩy thực hiện xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển. Hàng năm, tỉnh đều ưu tiên bố trí nguồn lực dành cho chuyển đổi số (giai đoạn 2021 - 2023 khoảng 290 tỷ đồng) bao gồm nguồn vốn đầu tư công và nguồn sự nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính hàng năm.
Đồng chí Lê Hoàng Hải, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Để phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động trong chuyển đổi số, tỉnh Hà Giang duy trì mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối 100% cơ quan hành chính nhà nước thông suốt với Trung tâm dữ liệu của tỉnh; duy trì hoạt động hiệu quả các hệ thống thư điện tử công vụ với 19.623 tài khoản thư công vụ; Tổng chữ ký trên địa bàn tỉnh là: 28.270 chứng thư số; duy trì hiệu quả hoạt động của 241 điểm cầu trực tuyến; Duy trì hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh (gồm: Cổng Dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử) đồng bộ, thống nhất tại 100% cơ quan hành chính nhà nước; các Cổng/Trang thông tin điện tử cơ quan hành chính nhà hoạt động hiệu quả, thường xuyên đăng tải tin, bài tuyên truyền các cấp. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc duy trì hiệu quả, liên thông 3 cấp, tỷ lệ văn bản ký số gửi nhận đạt khoảng 98%.
Hoàn thành và đưa vào sử dụng một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Chú trọng phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Duy trì phát triển hoạt động của Sàn thương mại điện tử tỉnh Hà Giang; Thành lập Tổ điều phối và Nhóm hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh lên các sàn TMĐT tại 11 huyện, thành phố; Hỗ trợ doanh nghiệp/HTX xây dựng Website bán hàng điện tử kết nối với các sàn Thương mại điện tử. Huy động sự phối hợp, hỗ trợ của các Tập đoàn viễn thông tập huấn và hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; triển khai mô hình chợ 4.0 về các dịch vụ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt,…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long phát biểu ý kiến.
Phát biểu ý kiến tại buổi giám sát, đồng chí Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lý Thị Lan và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long đều khẳng định các cấp, các ngành của tỉnh đã có sự quyết tâm, quyết liệt rất cao trong lãnh chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên do xuất phát điểm thấp, nguồn lực, nhân lực về công nghệ thông tin yếu dẫn đến còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Đến nay có thể thấy việc thực hiện chuyển đổi số là bước đi đúng đắn, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội thực tiễn của địa phương. Chuyển đổi số đã giúp cho công tác lãnh chỉ đạo của chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã được thông suốt, giúp xóa dần khoảng cách địa lý giữa các vùng miền trong tỉnh. Để công tác chuyển đổi số được triển khai thuận lợi trong thời gian tới, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lý Thị Lan và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long mong muốn Trung ương tiếp tục hoàn thiện các chính sách về chuyển đổi số nhằm tạo thuận lợi, khuyến khích trong triển khai tại địa phương; bên cạnh đó đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt, có kế hoạch tổng thể trong việc tích hợp thống nhất cơ sở dữ liệu dùng chung từ Trung ương đến địa phương; cần đồng bộ tất cả các phần mềm dùng chung khi triển khai áp dụng; khi phân bổ nguồn ngân sách cần có danh mục chi cụ thể cho lĩnh vực chuyển đổi số để các địa phương dễ thực hiện…

Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lý Thị Lan đề xuất với Đoàn công tác một số nội dung liên quan cơ chế, chính sách trong chuyển đổi số.
Tại buổi làm việc, tỉnh Hà Giang đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chính sách đặc thù nhằm thu hút, phát triển nguồn nhân lực, các chuyên gia về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hệ thống chính trị. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình viễn thông công ích nhằm hỗ trợ các Tập đoàn viễn thông phát triển hạ tầng mạng lưới đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ người dẫn có điện thoại thông minh để tiếp cận công nghệ số; Sớm ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai Luật giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 ngày 22/6/2023, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024. Khi đánh giá chỉ số CCHC cần phân chia vùng để chấm điểm đánh giá, không cào bằng các tỉnh như Hà Giang
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Oanh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phát biểu kết luận buổi giám sát.
Qua khảo sát thực tế một số tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nghe báo cáo công tác chuyển đổi số tại buổi làm việc, phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Kim Oanh đánh giá cao sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh Hà Giang trong công tác chuyển đổi số tại tỉnh. Đoàn công tác cũng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Hà Giang trong thực hiện công tác chuyển đổi số, đồng thời đánh giá cao hiệu quả mà công tác chuyển đổi số đã mang lại tại cho nền kinh tế tỉnh Hà Giang thời gian qua. Đồng chí đề nghị thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; quan tâm xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao nguồn nhân lực.