No title...
No title...
No title...
Vị Xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm Chè
Lượt xem: 378
0:00 / 0:00
Giọng nữ Ngọc Hoa
CTTĐT - Nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang 20 km. Vị Xuyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh. Trong những năm qua, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vị Xuyên đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất, phát triển các cây trồng chủ lực như: Cây lúa chất lượng cao, cây ăn quả, đặc biệt cây Chè Shan tuyết… đã trở thành cây trồng giúp người dân các xã vùng cao nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Anh-tin-bai

Vùng nguyên liệu Chè Shan tuyết cổ thụ do Công ty Cổ phần Trà hữu cơ Cao Bồ quản lý nằm ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển.

Toàn huyện Vị Xuyên có tổng diện tích Chè là trên 3.674 ha, trong đó diện tích Chè cho thu hoạch là 3.643ha, diện tích Chè Shan tuyết vùng cao 2.743 ha chiếm 74,6% tổng diện tích; Chè vùng thấp 931 ha, chiếm 25,4% tổng diện tích. Diện tích chè Shan tuyết hữu cơ 2.450,9 ha. Năng suất Chè búp tươi bình quân của huyện năm 2022 ước đạt 40,2 tạ/ha, sản lượng đạt 14.644,9 tấn. Giá Chè búp tươi giao động từ 15-50 nghìn đồng/kg, tùy từng loại; vùng thấp giao động từ 3-4 nghìn đồng/kg. Giá trị sản phẩm chè chiếm khoảng 10% tổng giá trị ngành trồng trọt. Trung bình thu nhập mỗi hộ trồng chè hàng năm tăng từ 21 triệu đồng trở lên.

Anh-tin-bai

Người dân xã Thượng Sơn huyện Vị Xuyên chăm sóc Chè Shan tuyết.

Trong đó, Chè Shan tuyết được người dân trồng, chăm sóc trên địa bàn các xã vùng cao như: Thượng Sơn, Cao Bồ, Quảng Ngần, Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải, Phương Tiến. Chè ở đây sinh trưởng và phát triển tự nhiên. Do sống ở độ cao trung bình từ 800m – 1500m so với mực nước biển nên chất lượng Chè ở đây thơm, ngon, ngọt đậm vị. Tuy nhiên việc thu hoạch, vận chuyển và chăm sóc Chè Shan tuyết của người dân còn gặp không ít khó khăn dẫn đến năng suất và sản lượng Chè Shan tuyết chỉ đạt 25 -28 tạ/ha.

Anh-tin-bai

Nhiều cây Chè cổ thụ nằm sâu trong rừng già khó khăn trong việc thu hoạch, chăm sóc.

Để bảo tồn và phát triển giống chè Shan tuyết đặc sản của địa phương gắn với phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, huyện Vị Xuyên xác định Chè là cây trồng ổn định, lâu năm, cây chủ lực ở địa phương, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Huyện đã chỉ đạo các xã có diện tích chè đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc, phát huy tiềm năng, lợi thế, lợi ích của cây chè; bảo tồn diện tích chè Shan tuyết cổ thụ sẵn có; duy trì, phát triển vùng chè Shan tuyết hưu cơ tạo thành vùng chè hàng hóa, chất lượng; phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ quy trình chăm sóc hữu cơ, quy trình đốn tỉa, thu hoạch, đảm bảo năng suất, sản lượng, chất lượng, duy trì diện tích  Chè thường xuyên, lâu dài. Tổ chức trồng dặm đảm bảo mật độ, sử dụng giống chè Shan tuyết sẵn có tại địa phương tránh tình trạng xen, lẫn giống khác chất lượng không đảm bảo. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc áp dụng các quy trình sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng Chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các vùng Chè đã được cấp chỉ dẫn địa lý.

Tiếp tục vận động các doanh nghiệp, HTX được phân vùng nguyên liệu chủ động kinh phí tái chứng nhận duy trì và mở rộng diện tích chứng nhận hữu cơ. Giai đoạn 2023 – 2025 tái chứng nhận, duy trì 2.450,9 ha chè hữu cơ tại các xã: Xín Chải, Thanh Đức, Phương Tiến, Cao Bồ, Thượng Sơn, Quảng Ngần. Chứng nhận mới 98 ha tại xã Lao Chải.

Định hướng đến năm 2030 chuyển đổi chứng nhận mới từ diện tích chè VietGap sang chứng nhận chè hữu cơ 418 ha tại các xã Quảng Ngần, Việt Lâm, Nông trường Việt Lâm, Ngọc Linh.

Tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết theo chuỗi giá trị khép kín giữa HTX, Tổ hợp tác với Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Kiện toàn lại các HTX, phân vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp/HTX đủ năng lực chủ động kinh phí đánh giá, gia hạn chứng nhận lại Chè hữu cơ khi hết hiệu lực.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX đã chủ động phối hợp với UBND các xã triển khai ký kết hợp đồng liên kết với người dân, cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra theo hình thức cho vay trả chậm, lồng ghép vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, vốn khác, vốn doanh nghiệp để phát triển sản xuất nhưng phải đảm bảo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến, chế biến sâu, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, số lượng, chất lượng của đơn vị thu mua, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Mong rằng với những cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Vị Xuyên, cùng sự chung tay, góp sức, đồng hành của các doanh nghiệp, HTX chế biến, sản xuất Chè trên địa bàn huyện Vị Xuyên sẽ ngày càng phát triển, khẳng định giá trị và thương hiệu Chè trên thị trường trong nước và quốc tế. Góp phần nâng cao diện tích và thu nhập cho người dân trồng Chè. Để Chè không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu trên chính mảnh đất biên cương Vị Xuyên này.

Lan Phương
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1