No title...
No title...
No title...
Cách làm mới, hiệu quả trong công tác tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở Hoàng Su Phì
Lượt xem: 114
CTTĐT - Ngay sau khi Chỉ thị 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 (gọi tắt là Chỉ thị 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh) được ban hành. Ban Thường vụ Huyện ủy Hoàng Su Phì đã họp, bàn, xác định đây là chủ trương lớn của tỉnh, là việc làm cần thiết và là nhiệm vụ chính trị lâu dài, cần sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Đặc biệt là phải nêu cao hơn nữa vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn gia đình, người thân, bạn bè và nhân dân trên địa bàn quyết tâm thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Cách làm mới tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Để triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sớm đi vào cuộc sống, huyện Hoàng Su Phì đã triển khai, quán triệt nội dung chỉ thị, nghị quyết đến các chi, đảng bộ trực thuộc và toàn thể cán bộ, đảng viên; ban hành 76 văn bản nhằm cụ thể hóa nội dung Chị thị 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, trong đó có Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 27/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Anh-tin-bai

Các Tổ công tác đến tận thôn, bản để tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Theo lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì cho biết: Huyện xác định nhiệm vụ quan trọng đầu tiên đặt ra là phải phân biệt giữa nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng và các hủ tục lạc hậu trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc để bài trừ, cải tiến và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng người dân cùng chung tay xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Từ đó, Huyện đã thành lập 04 tổ công tác đi rà soát, khảo sát thực tế tại 24 xã, thị trấn. Các Tổ công tác đã trực tiếp đến tận các thôn, hộ gia đình gặp người dân để khảo sát các trình tự, thủ tục, phong tục, tập quán của 8/13 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện là Nùng, Tày, Dao, Mông, La Chí, Clao, Phù Lá… để thống kê theo 04 lĩnh vực liên quan đến “việc cưới, việc tang, lễ hội và nếp sống sinh hoạt”và tổ chức Hội thảo “Bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025” quy mô cấp huyện với 150 người tham dự.

Tại Hội thảo, các nghệ nhân, thầy mo, thầy cúng đã trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến và thống nhất với Ban Chỉ đạo huyện nhận diện chính xác những nội dung nào là hủ tục, phong tục lạc hậu cần thay đổi, cải tiến, bài trừ, xóa bỏ; nội dung nào là nét đẹp văn hóa truyền thống, lễ hội mang bản sắc dân tộc cần gìn giữ.

Sau khi thống nhất về nội dung, thông tin tuyên truyền, Ban Chỉ đạo huyện, xã đã tích cực vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của mình trong công tác xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Quyết liệt, chủ động hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nội dung, nhiệm vụ cần triển khai trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu.

Anh-tin-bai

Cán bộ huyện Hoàng Su Phì tổ chức truyền thông tại Phiên chợ huyện.

Các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã nâng cao nhận thức, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nếp sống văn minh. Chủ động tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, dòng họ, cộng đồng xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe, tinh thần của người dân như: Người chết chưa đưa vào áo quan, giết mổ nhiều gia súc, tổ chức đám tang dài ngày, tục ném cơm trong đám tang; tục cúng bói giải hạn; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chuồng trại gia súc để trước cửa nhà; tục bắt vợ, kéo vợ; tục té nước chú rể trong lễ cưới; tục thách cưới cao…

Đặc biệt với sự chung sức, đồng thuận, nhất trí cao của các nghệ nhân,các thầy mo, thầy cúng, người có uy tín, người am hiểu về phong tục tập quán các dân tộc trên địa bàn huyện đã tích cực vào cuộc, trực tiếp tuyên truyền, thực hiện, hướng dẫn đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các nội dung cần cắt giảm, cải tiến, bài trừ các phong tục, hủ tục lạc hậu. Từ đó, giúp cộng đồng các dân tộc nâng cao nhận thức, ý thức và thay đổi theo hướng phù hợp, văn minh. 

Khi Chỉ thị, Nghị quyết đi vào cuộc sống

Để Chỉ thị 09 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết 27 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sớm đi vào cuộc sống, Huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung dễ hiểu, dễ nắm bắt đến người dân. Kết quả đã tổ chức triển khai được 3.227 buổi tuyên truyền tại cơ sở, đã thu hút được 313.754 lượt người nghe, người xem tại các điểm chợ, cụm dân cư, các thôn, tổ dân phố, các trường học… bằng nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền trực tiếp; tuyên truyền trên loa phát thanh của xã, qua các kênh mạng xã hội; các hội nghị, hội thi, các buổi sinh hoạt chi bộ. Đặc biệt là huyện, xã đã chủ động xây dựng các tiểu phẩm sân khấu hóa về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí, Cờ Lao do cán bộ và nhân dân trong thôn, xã trực tiếp tham gia đóng vai với phương châm “để người dân tự nói với người dân” góp phần tích cực trong tuyên truyền và thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trong cộng đồng dân cư.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay đối với việc cưới hỏi đã cắt giảm và cải tiến một số hủ tục như: Sính lễ bằng bạc già quy đổi sang tiền mặt và giảm về số tiền, lễ vật sính lễ, nhất là đối với dân tộc Dao đã giảm tổng chi phí nhà trai mang sang nhà gái từ 33 triệu đồng xuống còn 22 triệu đồng; dân tộc Tày giảm từ ăn uống 2 bữa xuống còn 1 bữa; tổng chi phí nhà trai mang sang nhà gái là 10 triệu đồng(trừ lễ ăn hỏi); không quỳ lạy mời rượu từng mâm thay bằng đi chào, rót rượu; bỏ tục dội nước chú rể khi sang nhà gái đón dâu của dân tộc Nùng…

Đối với việc tang: Đã thành lập được 199/199 Tổ vận động, Ban tang lễ để nắm tình hình và tuyên truyền, góp ý với gia đình về các nội dung tổ chức đám ma, lễ cưới phù hợp với văn hóa, kinh tế, không gây tốn kém. Các đám tang không tổ chức quá 48 tiếng; không giết mổ nhiều gia súc; giảm thành phần xé khăn tang, làm đèn lồng; giảm số ngày kiêng kỵ sau đám tang; giảm tiền công, lễ vật cho thầy cúng.

Đối với các lễ hội tiếp tục được duy trì tốt tại các xã, các thôn như Lễ hội cúng rừng; Tết Khu Cù tê; Lễ hội Quyá hieéng; Lễ cúng Bàn Vương; Lễ hội Gầu tào… các lễ hội diễn ra trong không khí trang trọng, an toàn, tiết kiệm. Trong lễ cúng rừng của dân tộc Nùng trước đây chưa có Nghị quyết, việc kiêng kỵ sau lễ hội từ 5 đến 6 ngày, hiện nay đã giảm xuống còn 1 đến 2 ngày; việc phân biệt nữ không được đến nơi thờ cúng được xóa bỏ, nữ giới đã được đến nơi thờ cúng dâng hương…

Từ đó, người dân dần thay đổi thói quen, phong tục tập quán cũ, nâng cao ý thức, nhận thức, không còn mê tín như trước; thực hiện nếp sống tương thân tương ái hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất; trên 200 hộ dân đã thực hiện di dời chuồng trại ra xa nhà ở; gần 500 hộ dân tự cải tạo làm mới nhà vệ sinh, nhà tắm.

Anh-tin-bai

Cách làm mới, hiệu quả trong công tác tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân thôn Na Léng xã Bản Phùng huyện Hoàng Su Phì.

Các mô hình, tiểu phẩm tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu được các thôn, bản, tổ dân phố duy trì và thực hiện có hiệu quả; được trình diễn tại Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc của thôn năm 2023.

Song song với đó, Ban Chỉ đạo xóa bỏ hủ tục huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã trong quá trình triển khai thực hiện xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đảng ủy các xã tự tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên trong các chi, đảng bộ trực thuộc. Đã tạo thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các thôn, xã, các chi bộ với nhau, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn.

Những kết quả đạt được nói trên cho thấy, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, sát sao, toàn diện của Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, sự chung tay góp sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở huyện nghèo, phía Tây tỉnh Hà Giang.

Lan Phương
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện hình ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 1489
  • Trong tuần: 16 792
  • Tất cả: 61849