Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác chế biến khoáng sản
CGTĐT - Sáng ngày 13/9/2024, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh do đồng chí Trần Xuân Thủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cùng các thành viên Ban đã tiến hành giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác chế biến khoáng sản giai đoạn 2018 đến tháng 4/2024 đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế tỉnh Hà Giang. Tham gia đoàn giám sát có đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Toàn cảnh buổi giám sát tại Hội trường của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Qua giám sát cho thấy, các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh đã tích cực phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về khoáng sản dưới nhiều hình thức. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức tập huấn các quy định của pháp luật về khoáng sản và triển khai Đề án quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang tới các tổ chức, doanh nghiệp, các cấp, ngành liên quan của tỉnh; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh tổ chức truyền thông, tuyên truyền các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản với nhiều hình thức góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến thời điểm tháng 4/2024, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 64 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 32 điểm mỏ đang hoạt động khai thác; 24 điểm mỏ dừng hoạt động khai thác; 08 điểm mỏ chưa hoạt động khai thác. Nhìn chung các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản chấp hành các quy định của Luật Khoáng sản và các pháp luật khác có liên quan; thực hiện các nội dung của giấy phép, tuân thủ quy trình, quy phạm an toàn lao động, thiết kế mỏ và các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Các hoạt động khoáng sản đã góp phần khai thác các lợi thế về tài nguyên, tạo ra các sản phẩm phục vụ cho ngành Công nghiệp và nhu cầu của thị trường, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động địa phương nơi có điểm mỏ và thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định. Giai đoạn 2018-4/2024, các hoạt động khai thác khoáng sản đã đóng góp vào ngân sách nhà nước với số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên 411,5 tỷ đồng, Phí bảo vệ môi trường trên 22,8 tỷ đồng, tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trên 65,4 tỷ đồng,...; tổng số lao động địa phương sử dụng trung bình mỗi năm trên 1.000 người.
Đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy phát biểu tại buổi giám sát.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đánh giá cao công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý và khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản trong giai đoạn 2018 đến nay được chỉ đạo triển khai cơ bản đồng bộ; các sở, ngành đã chủ động tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản thuộc thẩm quyền để chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; việc phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được cơ quan chức năng của tỉnh chủ động thực hiện, đảm bảo thủ tục theo quy định; việc cấp phép khai thác khoáng sản đảm bảo theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời, thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi và đề nghị các sở, ngành báo cáo đối với các điểm mỏ chưa được giao, cho thuê đất nhưng đã đi vào hoạt động như vậy đã đảm bảo theo đúng quy định chưa; quan tâm, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp còn nợ tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường; nguyên nhân các điểm mỏ đã được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng đến nay hết thời gian cấp phép vẫn chưa đi vào hoạt động khai thác; nêu cụ thể khó khăn vướng mắc và giải pháp để các doanh nghiệp đã đóng cửa mỏ thực hiện đầy đủ các nội dung như khôi phục môi trường, thực hiện các biện pháp đã cam kết trước khi được cấp phép khai thác khoáng sản; việc thực hiện hoàn quỹ phục hồi môi trường đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp; một số điểm mỏ gây ô nhiễm môi trường; các doanh nghiệp còn nợ đọng thuế có khả năng thu hồi không; giải pháp quản lý sản lượng khai thác khoáng sản để đảm bảo về thu thuế, phí; việc lập quy hoạch khoáng sản được quy định tại Điều 10, Luật Khoáng sản 2010 và Điều 12, Nghị định 156/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ…
Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Trần Xuân Thủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được đạt được trong công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về quản lý khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản và người dân nơi có khoáng sản; quan tâm triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo Kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo nhu cầu phát triển hạ tầng và các dự án thu hút đầu tư, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Thực hiện lập quy hoạch khoáng sản được quy định tại Điều 10, Luật Khoáng sản 2010 và Điều 12, Nghị định 156/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản; Chủ động kiểm tra, giám sát sau cấp phép khai thác, đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về khoáng sản; Tiếp tục phối hợp với UBND các huyện thành phố chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện thủ tục đất đai đối với các dự án đầu tư; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng chưa hoàn thành thủ tục về đất đai thuộc thẩm quyền.