No title...
No title...
No title...
Bộ Tư pháp sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2024
Lượt xem: 200
CGTĐT - Ngày 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2024. Hội nghị do đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Trần Tiến Dũng; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan của Quốc hội...Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có lãnh đạo sở Tư pháp và một số sở, ngành tỉnh.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời các nhiệm vụ theo các chương trình, kế hoạch công tác; các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thêm, nhất là 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 130 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực công tác được đề ra tại Chương trình hành động của ngành Tư pháp.

 Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật (tương đương so với cùng kỳ 2023); các địa phương ban hành 1.528 VBQPPL cấp tỉnh, 1.038 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã; tổ chức thẩm định 113 đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 222 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 2.069 đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân, dự thảo VBQPPL; các Phòng Tư pháp thẩm định 1.124 dự thảo VBQPPL... Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các bộ, ngành được đánh giá.

Đối với công tác thi hành án dân sự, trong 09 tháng đầu năm 2024 (thời gian tính theo tháng kế tiếp tháng tổng kết của năm liền trước), toàn Hệ thống thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong gần 404.000 việc, tăng 21.711 việc (tăng 5,68% so với cùng kỳ năm 2023); đạt tỉ lệ 65,24% với hơn 73.000 tỷ đồng; tăng hơn 2.736 tỷ đồng (tăng 3,89% so với cùng kỳ năm 2023), đạt tỉ lệ 27,6% (giảm 4,86% so với cùng kỳ năm 2023). Kết quả theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) 06 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực, cụ thể, các cơ quan THADS thực hiện theo dõi 1.387 việc, trong đó số cũ chuyển sang là 776 việc, số tiếp nhận mới là 611 việc; đã thi hành xong 400 việc (tăng 184  bản án so với cùng kỳ năm 2023); đang tiếp tục thi hành 979 bản án.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được xác định là giải pháp chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. 

Các cơ quan tư pháp địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo”. 

Để đạt mục tiêu năm 2024, Bộ Tư pháp tập trung nguồn lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong 06 tháng cuối năm với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Tham mưu thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chương trình xây dựng đề án, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024. Tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ chất lượng các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, nhất là dự án Luật Công chứng và các Báo cáo của Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; tăng cường quản lý nhà nước và triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thiết thực, hiệu quả, kịp thời theo yêu cầu của Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ.

Tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện trong công tác thi hành án; giải pháp để triển khai số hóa sổ hộ tịch, hưởng ứng Kế hoạch thi đua cao điểm “Đẩy mạnh tiến độ hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch” và một số nội dung quan trọng khác.

Hồng Minh
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1