No title...
No title...
No title...
Tìm hiểu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề thủ công truyền thống làm nón lá hai mê của người Tày, Xuân Giang, Quang Bình
Lượt xem: 392
CTTĐT - Ngày 10/11/2023, huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang rất vui mừng và phấn khởi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3439 về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có: “Nghề thủ công truyền thống làm Nón lá hai mê của người Tày xã Xuân Giang, huyện Quang Bình” và “Nghệ thuật trình diễn Hát quan làng của người Tày huyện Quang Bình”. Để hiểu rõ hơn về Di sản “Nghề thủ công truyền thống làm Nón hai mê của người Tày xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang xin giới thiệu đến quý bạn đọc những nét đặc sắc của nghề thủ công truyền thống này.

Được biết, xã Xuân Giang huyện Quang Bình có tổng diện tích trên 5.775,80ha, với 09 thôn, bản, là nơi sinh sống của 14 dân tộc thiểu số gồm Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí, Kinh... trong đó, người Tày chiếm 85% dân số toàn xã. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp trồng lúa nước, cây ăn quả, cây lâm nghiệp.

Anh-tin-bai

Nghề đan Nón lá hai mê xã Xuân Giang huyện Quang Bình được gìn giữ và phát triển bởi đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Tày nơi đây.

Trong những năm qua, nhờ gìn giữ và phát triển tốt nghề truyền thống làm Nón lá hai mê của người Tày Xuân Giang mà nhiều diện tích rừng nguyên sinh và rừng hỗn giao được người dân bảo vệ và chăm sóc, từ đó các loại cây nguyên liệu chính để chế tạo ra chiếc Nón lá hai mê như cây cọ, cây giang, cây móc… sinh trưởng và phát triển tốt, góp phần gìn giữ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và nâng cao thu nhập cho người dân trong xã.

Theo nghệ nhân Hoàng Văn Bính xã Xuân Giang cho biết: Nghề làm Nón lá hai mê không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng từ bé người dân đã được ông bà, cha mẹ truyền dậy cho cách đan nón từ những nguyên vật liệu thiên nhiên, gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày. Những chiếc Nón lá hai mê không chỉ giúp người dân che mưa, che nắng mà còn được dùng làm đạo cụ trong các tiết mục múa, hát, hay được dùng để bầy, trang trí nhà cửa, quán ăn… Đặc biệt hơn, Nón còn là vật dụng không thể thiếu trong mỗi đám cưới. Chỉ cần nhìn qua chiếc Nón cô dâu đội trên đầu trong ngày lễ “Vu quy” là có thể đánh giá được tài năng, sự khéo léo của cô dâu.

Nón từ vật dụng gắn bó với đời sống lao động của người dân nay đã trở thành sản phẩm được bầy bán trên thị trường, được du khách trong và ngoài nước biết đến; nón được người dân bày bán tại các phiên chợ với giá giao động từ 100 - 150 nghìn đồng tùy từng kích cỡ to nhỏ khác nhau… từ đó, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sau những ngày nông nhàn. Ban đầu chỉ là hình thức tự cung tự cấp, sau đó chuyển thành hàng hoá cung cấp cho thị trường. Chính vì vậy mà kỹ thuật làm Nón gắn liền với nghề thủ công truyền thống được người dân duy trì, bảo tồn và phát triển.

Anh-tin-bai

Khách du lịch rất thích thú trước vẻ đẹp độc đáo của chiếc nón.

Theo Nghệ nhân Hoàng Văn Bính chia sẻ: Người Tày làm 2 loại nón cho đàn ông và phụ nữ, trong đó loại cho đàn ông gọi là “chúp cảy”, loại nón dành cho phụ nữ gọi là “ăn chúp thoong lang”. Để làm ra được những chiếc nón đẹp mắt, có chất lượng cao phục vụ nhu cầu của bản thân, gia đình và cung cấp ra thị trường thì người làm nón phải mất rất nhiều công đoạn, tốn nhiều công sức và đỏi hỏi phải có kỹ thuật cao, nhưng điều đó đã thể hiện những nét độc đáo, riêng biệt, phản ánh được vai trò, sự khéo léo, kỳ công, tỷ mỷ của người phụ nữ trong quá trình thực hiện. Việc truyền dạy cách làm nón chủ yếu là phụ nữ, từ mẹ truyền cho con, bà truyền cho cháu, người biết nhiều truyền cho người biết ít, học hỏi lẫn nhau.

Dụng cụ làm nón được người dân sử dụng gồm: Một con to dùng để chặt cây giang, chặt lá cọ và 01 con dao bé dùng để chuốt nan, cắt chỉ, xén lá trong quá trình lợp nón); kéo; kim dùng để đính các lá cọ vào nhau; thớt để cạo vỏ và chặt lá cọ khô làm nón.

Theo bà Hoàng Thị Hạnh người có kinh nghiệm làm nón xã Xuân Giang cho biết: Trong quá trình làm Nón, các công đoạn chọn và sơ chế nguyên liệu là vô cùng quan trọng. Người làm Nón, phải chọn lựa những lá cọ bánh tẻ vừa mềm dễ làm, sau khi sơ chế sẽ có độ bền cao. Các lá cọ sau khi chặt xong được xếp vào nhau theo nếp để tránh bị xước, rách hoặc hỏng lá. Tiếp đến là công đoạn hơ lửa lá cọ; phơi; thu lá và bảo quản lá cọ.

Bên cạnh đó người làm nón lựa chọn những cây giang bánh tẻ, cây thẳng, có gióng đều, độ dài của gióng càng dài càng tốt. Sau khi lấy giang về người làm nón cạo, chẻ, vót giang sao cho sợi giang sau khi chuốt được mềm, dễ đan hơn.

Để níu giữ các lá cọ với nhau trong quá trình lợp cũng như khâu xung quanh vành nón thì người làm nghề phải dùng sợi để khâu. Hiện tại bà con người Tày xã Xuân Giang thường dùng các loại sợi cây móc, sợi cước; sợi chỉ... để khâu vành nón. Vì sợi móc rất bền chống chọi được với điều kiện thời tiết nóng ẩm mưa nhiều của vùng nhiệt đới. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường, người làm nón còn lựa chọn nhiều loại sợi tổng hợp như sợi cước, sợi chỉ màu có độ bền cao.

Anh-tin-bai

Anh-tin-bai

Công đoạn đan mê nón được người phụ nữ Tày Xuân Giang thực hiện rất thuần thục, đẹp mắt và kỳ công.

Quy trình làm nón gồm các công đoạn đan mê nón: Sau khi chẻ và vót được các nan giang như ý, người đan nón sẽ gộp hai nan một, sau đó chọn 5 cặp như vậy gài với nhau để đan ô mắt cáo hình ngũ giác phía trên đỉnh nón. Tiếp theo họ chọn các nan đơn để đan theo hình thức đan nong mốt với số lượng mỗi bên 18 nan tính từ đỉnh nón về phía hai bên tạo thành các ô mắt cáo hình lục giác. Từ nan thứ 19 trở đi hình thức đan có sự thay đổi đáng kể, các nan được đan cài sát vào nhau tạo thành các viền nan chạy vòng xung quanh, tổng cộng có 11 viền (mỗi viền nổi rõ 3 nan lên xuống); mê ngoài và mê trong cũng đan tương tự, nhờ cách đan này tạo cho vành nón trở nên dầy dặn, chắc chắn. Đặc biệt các vòng đan xen dày khu vực rìa viền nón toát lên tính nghệ thuật rất cao.

Sau khi đan hoàn chỉnh mê nón, người thợ sẽ đưa mê đặt lên gác bếp để hơ khói. Thời gian hong trung bình khoảng 3 tháng, không khí nóng của bếp củi sẽ làm cho nan giang bay hơi nước và khô dần, khói bếp ám vào nan có tác dụng phòng trừ sâu bọ, không bị mọt trong quá trình sử dụng sau này. Trong quá trình hong trên bếp lửa các nan giang chuyển từ mầu trắng ngà sang màu nâu đen nhưng độ bền của nan tốt hơn.

Công đoạn tạo hình khối, hoa văn, hình tượng trong lòng nón và trên dây quai nón: Dây quai nón là điểm đặc trưng có thể thấy rõ nhất tạo nên sự sinh động cho chiếc nón. Người Tày thường đan quai nón bằng các loại sợi chỉ màu khác nhau, phổ biến nhất là cách đan sợi tết theo tỷ lệ cặp trên dưới theo các màu cho phù hợp để làm nổi bật họa tiết. Các mẫu hoa văn được tết trên dây quai nón rất đa dạng, tổng cộng có 43 mẫu khác nhau. Mỗi loại hoa văn lại có những ý nghĩa khác nhau như hoa văn chấm, hoa văn lược, hoa văn sóng hình núi…

Đối với những hoa văn được trang trí trong lòng nón chủ yếu được cắt bằng các loại giấy màu phù hợp với sở thích người làm nón. Tiếp theo là công đoạn gài lá, khâu đính lá cọ; công đoạn úp mê, khâu vành nón; công đoạn bảo quản và cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Đối với nón của nam giới: Về chất liệu làm nón vẫn sử dụng lá cọ, nan giang, sợi khâu bằng sợi móc, sợi cước, hình thức đan nong mốt và nong đôi. Điều khác biệt lớn nhất giữa hai loại nón đó chính là hình dáng, nếu nón dành cho phụ nữ có hình chóp thuôn đều về các phía, dạng hình nấm, thì nón của nam giới phía trên thiết kế hình trụ chóp, phía dưới bè ra. Nếu nhìn kỹ và liên tưởng phần trụ nón kéo dài và vươn cao có phần giống với biểu tượng sinh thực khí. Đây có thể là nét riêng trong văn hóa bản địa.

Người phụ nữ đội chiếc nón “Chúp thong lang” toát lên sự mộc mạc, dịu dàng, nữ tính, thanh thoát bao nhiêu thì đàn ông đội “chúp cảy” cộng với bộ bao dao đeo bên người lại toát lên vẻ nam tính, sức mạnh của đấng mày râu bấy nhiêu.

Mũ nam giới cũng được lợp hai lớp lá cọ tạo độ dày dặn, kín, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Vành nón bè ra ngang tầm mắt vì vậy khi đội gặp phải trời nắng thì không chói mắt, trời mưa không bị bắn nước vào bên trong. Mũ được đan bằng các nan giang nhỏ, dẻo, lợp lá cọ khô, không quai do vậy chiếc nón của nam giới có trọng lượng nhẹ hơn loại mũ của nữ.

Anh-tin-bai

Những chiếc Nón hai mê đã hoàn thành và được treo rất đẹp mắt.

Có thể nói: Trong suốt quá trình tồn tại, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật làm Nón lá hai mê của người Tày xã Xuân Giang” đã thể hiện được đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người dân, tận dụng trong thời gian rảnh rỗi… đã tạo ra những chiếc nón vừa có giá trị nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ, phục vụ đời sống, bảo vệ sức khỏe con người. Chiếc nón là sản phẩm vật chất tuy đơn sơ nhưng rất thiết thực, gắn bó với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Không chỉ có giá trị về vật chất mà còn có giá trị lớn về tinh thần.

Để duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống này, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, khuyến khích, vận động người dân bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của di sản. Di sản mang đậm giá trị lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của dân tộc Tày tại vùng đất Xuân Giang nói riêng và của cộng đồng người Tày ở tỉnh Hà Giang nói chung. Di sản là sản phẩm do người Tày sáng tạo và giữ gìn, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chiếc nón gắn liền với bộ trang phục, lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, là biểu tượng, là tinh hoa của nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày Xuân Giang và tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. 

Lan Phương - Hương Lan
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1