No title...
No title...
No title...
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Hà Giang
Lượt xem: 702
Kỳ I. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân

CGTĐT - Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, nằm giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc; có đường biên giới dài 277km, tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Với diện tích tự nhiên là 7.927,55km2, là nơi sinh sống của 90 vạn người thuộc 19 dân tộc anh em, trong đó dân tộc HMông chiếm 34%. Toàn tỉnh có 11 huyện, thành phố, trong đó có 07 huyện biên giới, 04 huyện vùng cao núi đá với địa hình hiểm trở, độ dốc lớn và bị chia cắt mạnh, hạ tầng kỹ thuật thấp kém, giao thông đi lại khó khăn, thiếu đất, nước sinh hoạt; trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao… Nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, quyết tâm, phấn đấu vươn lên đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là “phên dậu” của Tổ quốc.

Trong 10 năm triển khai, thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC (giai đoạn 2014 - 2024), các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ hiệu quả, đạt nhiều kết quả đáng kể. 

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống 

1. Bí thư tỉnh ủy tiếp công dân.JPG

Đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng tiếp công dân định kỳ tại trụ sở Tiếp công dân tỉnh.

Tiếp công dân là: Cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Thông qua hoạt động tiếp công dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt được tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; tiếp thu những ý kiến, phản ánh, kiến nghị của công dân về những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; về công tác quản lý, thực thi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị tại địa phương; kịp thời chấn chỉnh, phát hiện, xác minh, xử lý các hành vi trái pháp luật, đảm bảo trật tự, kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thực thi công vụ đối với Nhân dân; tác động tích cực đến thái độ, tình cảm của Nhân dân; đặc biệt là củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương. 

Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong 10 năm qua, để thực hiện tốt Luật Tiếp công dân năm 2013, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC, Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Các cấp, các ngành tỉnh Hà Giang đã ban hành 1.124 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, giao nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành gần 50 văn bản; HĐND tỉnh ban hành 15 Nghị quyết có nội dung liên quan đến tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; UBND tỉnh ban hành 117 văn bản và thành lập Tổ tiếp công dân phục vụ các kỳ Đại hội Đảng các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; các sở, ban, ngành và huyện ủy, thành ủy, UBND các huyện, thành phố đã ban hành 959 văn bản thuộc thẩm quyền và thành lập các tổ hòa giải tại thôn bản, tổ dân phố; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ xảy ra khiếu kiện liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng, chế độ, chính sách… 

Đặc biệt là việc thực hiện các Quyết định số 1859 - QĐ/TU ngày 09/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân; Quyết định số 2168-QĐ/TU, ngày 19/9/2029 về Quy chế tiếp công dân, đối thoại và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; Quyết định số 525 - QĐ/TU, ngày 03/12/2021 về quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quy định số 17-QĐ/TU ngày 29/8/2023 về tiếp, đối thoại với công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư gửi đến Tỉnh ủy; Công văn số 3676-CV/TU, ngày 25/8/2023 về chấn chỉnh việc tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy theo Quy định số 11-Qđi/TW của Bộ Chính trị… đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Góp phần hạn chế tình trạng đơn thư phức tạp, kéo dài, vượt cấp; tạo được lòng tin giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

toan canh hn.JPG

Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức giao ban công tác nội chính và cải cách tư pháp để nắm bắt, chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.

Kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KN,TC cho thấy: Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư tới toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn. Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền được trên 23.580 cuộc với trên 1.677.123 lượt người, nội dung tuyên truyền tập trung vào quy trình, thủ tục tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. 

Thông qua các hội nghị, tập huấn, phát thanh, in tờ rơi, băng zôn, các hội thi. Đặc biệt là áp dụng chuyển đổi số vào công tác tuyên truyền bằng hình thức trực tuyến 3 cấp từ điểm cầu tỉnh đến 11 huyện, thành phố và 193 xã, phường, thị trấn. Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tuyên truyền việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh qua các chuyên mục “Chính sách với cuộc sống”, “Dòng sự kiện”, “Pháp luật”, “Dân hỏi lãnh đạo trả lời”, “Phóng sự”, “Ý kiến cử tri và trả lời ý kiến cử tri”, “Giáo dục pháp luật”, “Hỏi đáp”, “Phản ánh dư luận xã hội và báo chí”… 

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, đánh giá, hoàn thiện thể chế về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để đảm bảo quyền, lợi ích của người dân; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra, chú trọng cơ chế tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn vi phạm, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể cấp cơ sở trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân, nhất là việc tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy theo quy định.

Chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, các cơ quan Thanh tra, Công an, Kiểm sát, Tòa án nâng cao trách nhiệm trong quá trình giải quyết những vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài theo thẩm quyền, khắc phục tình trạng chuyển đơn lòng vòng, không rõ trách nhiệm. Các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt vai trò đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, đoàn viên, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện, thuyết phục, vận động Nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật. 

Phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân

1. kết luận.JPG

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đối thoại trực tiếp với Nhân dân xã Phương Thiện về việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Phát huy vai trò, trách nhiệm là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng lịch tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, doanh nghiệp đảm bảo công khai, nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, đúng trọng tâm. Lịch tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân được niêm yết tại trụ sở Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, huyện hoặc trụ sở xã để người dân nắm được. Với mục tiêu xác định nghe dân phản ánh, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; không để phát sinh những vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. 

Kết quả cho thấy, các đồng chí Bí thư, Quyền Bí thư Tỉnh ủy tiếp định kỳ 18 cuộc với 35 lượt người; Bí thư cấp huyện tiếp định kỳ 328 cuộc với trên 1.190 lượt người; tiếp đột xuất 35 cuộc/561 lượt người; Bí thư cấp xã tiếp định kỳ 7.883 cuộc với 21.637 lượt người; tiếp đột xuất là 1.380 cuộc với trên 1.385 lượt người. Qua tiếp dân, Bí thư cấp ủy các cấp đã ban hành 3.550 văn bản chỉ đạo giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành; giải quyết dứt điểm 5.300 vụ việc. Thường trực HĐND tỉnh thực hiện 220 cuộc tiếp công dân; Chủ tịch HĐND tỉnh tổ chức 36 cuộc tiếp công dân; 11 Tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tiếp được 419 cuộc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã tiếp được trên 13.200 lượt với trên 13.370 công dân; đã ban hành 1.235 văn bản kết luận, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng tham mưu giải quyết; đã giải quyết dứt điểm trên 2.778 vụ việc. 

1. chủ tich đối thoại.JPG

Đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trực tiếp đối thoại với thanh niên tỉnh Hà Giang năm 2024.

Thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, toàn tỉnh đã tổ chức được 11.724 cuộc. Trong đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp xúc, đối thoại được 15 cuộc; đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy 08 cuộc; Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh 61 cuộc; Bí thư Đảng ủy, chi bộ, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh tiếp xúc đối thoại được gần 800 cuộc; Bí thư các huyện, thành phố đối thoại được 210 cuộc; Chủ tịch UBND cấp huyện đối thoại 350 cuộc; Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn đối thoại được 4.730 cuộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đối thoại được trên 5.550 cuộc. Nội dung đối thoại tập trung vào các lĩnh vực đời sống, kinh tế, an sinh xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản, giao thông, đô thị, thủy lợi, ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới, nước sinh hoạt, điện, chế độ chính sách... 

Tại các buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có sự tham gia đầy đủ các thành phần liên quan. Sau khi nghe công dân trực tiếp trình bày đơn và những chứng cứ liên quan, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền yêu cầu lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trả lời làm rõ tại buổi tiếp xúc, đối thoại cho công dân hiểu, đồng thuận, nhất trí ngay tại buổi tiếp xúc. Đối với những ý kiến, kiến nghị, phản ánh cần phải xác minh, điều tra, chưa giải quyết được ngay, người chủ trì sẽ tiếp thu, trực tiếp đi kiểm tra thực tế hoặc giao cho cơ quan chức năng điều tra, làm rõ; sau mỗi cuộc tiếp xúc, đối thoại sẽ ban hành thông báo kết luận cụ thể gửi đến các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan biết để thực hiện. Đối với những vụ việc đã giải quyết nhưng chưa thỏa đáng thì người chủ trì buổi tiếp xúc, đối thoại sẽ trực tiếp giải thích, thuyết phục công dân chấp hành các quyết định, kết luận của các cơ quan Nhà nước đã đúng chính sách, đúng pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để cố ý vi phạm pháp luật. 

Theo công dân Đỗ Thị Gái, trú tại phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang cho biết: Qua buổi tiếp xúc trực tiếp với đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh tháng 10/2023, tôi đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy đã giao UBND thành phố, các ngành chuyên môn tiến hành kiểm tra lại thực tế, xác minh đo đạc lại thực địa và trên cơ sở đó đã có giải pháp xử lý, giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng chí bí thư thành ủy.jpg

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Giang Chúng Thị Chiên tiếp công dân định kỳ hàng tháng theo quy định.

Theo đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hà Giang cho biết: Qua công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt thông tin để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; giảm thiểu tình trạng đơn thư vượt cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, không để xảy ra điểm nóng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Mỗi lần tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân có Chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, lãnh đạo xã, phường tham gia để trả lời, giải thích trực tiếp cho người dân nắm được. Đối với những vụ việc phức tạp, Thành ủy cũng yêu cầu UBND thành phố tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị của công dân, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công tâm, khách quan, có văn bản cụ thể và phải xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong quá trình thực hiện, nếu sai phạm kiên quyết xử lý. 

Qua đó có thể khẳng định rằng: Nếu làm tốt công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân không chỉ giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc thông tin, tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, bức xúc của Nhân dân; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm tồn tại, hạn chế, tạo sự đồng thuận nhất trí trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...”.

Lan Phương - Hoàng Huyền
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1