No title...
No title...
No title...
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Hà Giang
Lượt xem: 696
Kỳ cuối: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo

CGTĐT - Nhìn lại 10 năm triển khai, thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hà Giang cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin cho Nhân dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của công dân, góp phần tích cực cùng cả hệ thống chính trị thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần chấn chỉnh, khắc phục một cách toàn diện như: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ, dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, gửi đơn thư vượt cấp; một số cán bộ, công chức xã còn kiêm nhiệm nên hạn chế về chuyên môn, kiến thức, chưa có kỹ năng, nghiệp vụ tiếp công dân; việc phân loại, xử lý đơn thư có lúc còn lúng túng, thiếu chính xác dẫn đến việc chuyển đơn lòng vòng…

Chủ tịch họp tư vấn giải quyết đơn thu.jpeg

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn họp tư vấn về giải quyết đơn thư với các ngành chức năng.

Để thực đúng với phương châm “gần dân, sát dân, hiểu dân, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ” và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân trong thời gian tới, cần chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp sau: 

Một là, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm. Muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, ngoài làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp xúc, đối thoại, xử lý, phân loại, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo thì nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các cấp, các ngành là việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức có đủ năng lực, trình độ, chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là rất cần thiết; vừa đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân, vừa hạn chế được tình trạng đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Hơn nữa cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ; đặc biệt là trách nhiệm nêu gương gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Hà Giang. 

Với tổng số 790 người làm nhiệm vụ tiếp công dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo (trong đó, chuyên trách 210 người; kiêm nhiệm 580 người) trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Để nâng cao năng lực, trình độ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ này, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành bố trí kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ hiểu biết pháp luật và nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. 

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục. Mặc dù, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, kiến thức pháp luật cho người dân đã được quan tâm, chú trọng nhưng do địa hình phức tạp, bị chia cắt nhiều, dân cư sống không tập trung, nhiều dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn nên việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục của một số địa phương chưa được thường xuyên, liên tục; công tác giải đáp pháp luật ở cơ sở còn hạn chế; thiếu cán bộ có kỹ năng tuyên truyền, giải thích, thuyết phục nên vẫn còn tình trạng công dân thường xuyên đến Ban Tiếp công dân tỉnh, huyện để khiếu nại kéo dài, đòi quyền lợi, chế độ không chính đáng mặc dù đã được các ngành chức  năng xem xét, giải quyết, giải thích nhiều lần, đúng quy định, thấu tình đạt lý, hoặc vẫn gửi đơn thư vượt cấp, gửi cơ quan không có thẩm quyền giải quyết… Vì vậy để nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật hơn nữa cho người dân, tỉnh Hà Giang tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ nhớ, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau… từ đó, giúp người dân am hiểu kiến thức pháp luật, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương. 

Ba là, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan Nhà nước trong việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo và xử lý hành vi trả thù, trù dập người tố cáo.

Bốn là, các ngành chuyên môn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn, hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ trong khiếu nại, tố cáo. Đơn thư của công dân chủ yếu về lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng … nên các cấp, các ngành cần giải quyết tốt chế độ chính sách để hạn chế đơn thư phát sinh, khiếu nại, tố cáo. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân để nắm bắt tình hình; rà soát và giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, những vấn đề gây bức xúc, nhạy cảm ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng, khiếu kiện vượt cấp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bànLàm tốt hơn nữa công tác dân vận, bám nắm tình hình, kịp thời xử lý dứt điểm các trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối, xúi giục khiếu nại, tố cáo sai sự thật, gây mất ổn định tình hình tại địa phương.

Năm là, tạo ra nhiều cơ chế chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, tạo môi trường làm việc thuận lợi để thu hút đội ngũ tri thức trẻ được đào tạo chính quy, có năng lực, đạo đức về công tác tại các địa phương, phát huy khả năng sáng tạo, cống hiến. Bồi dưỡng, đào tạo con em người địa phương hiếu học, có nhu cầu học tập sau khi ra trường về cống hiến cho quê hương. Khuyến khích đội ngũ tri thức tăng cường về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, nhất là cán bộ trẻ trong lực lượng vũ trang, cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số để thuận tiện hơn trong công tác tuyên truyền, vận động.

Sáu là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở. Kịp thời động viên, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân

Bảy là, xử lý nghiêm các cán bộ thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm và các trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối, xúi giục khiếu nại, tố cáo sai sự thật, gây mất ổn định an ninh, trật tự tại địa phương.

Có thể thấy, các cấp, các ngành của tỉnh Hà Giang đã luôn cố gắng, nỗ lực, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; luôn đặt mình vào vị trí của người dân; luôn quan tâm, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vong của người dân; chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc cho Nhân dân; chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dân Nhân dân thực hiện, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn được giữ vững. Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.

Lan Phương - Hoàng Huyền
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1