No title...
No title...
No title...
Đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định thông báo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh
Lượt xem: 209
0:00 / 0:00
Giọng nữ Ngọc Hoa
CTTĐT - Sáng ngày 06/12/2023, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 -2026, thay mặt Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang, Đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định đã thông báo đến toàn thể Kỳ họp và cử tri trên địa bàn tỉnh Kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Anh-tin-bai

Đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định báo cáo tại Kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh.

Theo đó, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại Tòa nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, Kỳ họp được chia thành 02 đợt (đợt 01 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 02 từ ngày 20/11 đến ngày 29/11/2023). Sau 22,5 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, tích cực, dân chủ với trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

 

Anh-tin-bai

 

Các đại biểu dự Kỳ họp.

Tại Kỳ họp này Quốc hội đã biểu quyết thông qua 07 dự án luật, 09 nghị quyết, cho ý kiến lần 03 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần 02 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác như:Sau khi xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Quốc hội khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành chủ động, tích cực, linh hoạt và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và kết quả tốt đẹp của hội nhập quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu với kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; ước cả năm 2023 có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; phân bổ ngân sách trung ương năm 2024

Về thực hiện chính sách tiền lương: Từ ngày 01/7/ 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở; đồng thời, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước…

Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 02 nghị quyết quy phạm pháp luật: (1) Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.(2) Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Nghị quyết này quy định thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đối với 56 dự án. Trong 56 dự án được áp dụng thí điểm thì dự án đầu tư xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang được xác định là dự án đường cao tốc áp dụng chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lập pháp, thông qua 07 dự án luật:(1) Luật Nhà ở; (2) Luật kinh doanh bất động sản; (3) Luật Tài nguyên nước; (4) Luật Viễn thông; (5) Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; (6) Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; (7) Luật Căn cước.

Quốc hội cho ý kiến lần 03 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần 02 đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật.

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 02 dự án Luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan.

Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 04 với 21 lĩnh vực thuộc 04 nhóm nội dung: nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp; nhóm lĩnh vực kinh tế ngành; nhóm lĩnh vực văn hoá - xã hội; nhóm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề. Đồng thời, cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023; việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5; xem xét các báo cáo của cơ quan tư pháp.

Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.

Bên cạnh đó, để giúp Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang có thông tin, cơ sở phục vụ Kỳ họp, Đoàn ĐBQH đã chủ trì tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị có liên quan bằng nhiều hình thức như: Đoàn ĐBQH đã tổ chức khảo sát, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự để tham gia ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Giám sát kết quả thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016-2023, lấy ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); tham gia Tổ công tác và Đoàn Giám sát của Quốc hội khảo sát, giám sát về "việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Chủ trì làm việc với Tòa án và các cơ quan Tư pháp của tỉnh để lấy ý kiến tham gia vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); phối hợp với Công an tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự án Luật do Bộ Công an trụ trì soạn thảo; giao Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn phản biện lấy ý kiến tham gia đối với 04 dự án Luật. Ban hành văn bản xin ý kiến các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố để làm cơ sở tổng hợp gửi Tổng thư ký Quốc hội gồm 17 dự án Luật.

Về hoạt động tại Kỳ họp: Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham dự với 6/6 đại biểu. Tham dự đầy đủ các nội dung của Kỳ họp, thể hiện trách nhiệm cao, tích cực, tham gia phát biểu, đóng góp những ý kiến, nội dung chất lượng với nhiều lượt ý kiến phát biểu thảo luận, tranh luận, cụ thể có 29 lượt thảo luận: 13 lượt thảo luận tại hội trường và 16 lượt thảo luận tại tổ.

Trong 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn Đoàn ĐBQB tỉnh Hà Giang đã thực hiện 01 lượt chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội và giải pháp khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” gây ảnh hưởng đến người dân và 01 lượt tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về thu hút đầu tư tư nhân trong các dự án PPP (đối tác công – tư), trong việc chỉ nâng tỷ lệ vốn Nhà nước trong các dự án sẽ đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân.

Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã bố trí thời gian hợp lý và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng bên lề Kỳ họp. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức cho ĐBQH thực hiện tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5 và trước Kỳ họp thứ 6 tại 05 điểm với 580 cử tri tham dự.

Tại Kỳ họp lần này Quốc hội đã mời Đoàn đại biểu HĐND, UBND tỉnh Hà Giang dự thính ngày 30/10/2023. Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự Kỳ vọng của cử tri, nhân dân, trong đó có sự đóng góp tích cực, chủ động, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Lan Phương
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1