No title...
No title...
No title...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”
Lượt xem: 159
CGTĐT – Sáng ngày 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công Thành phố Đà Nẵng tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh theo Quyết định số 935/QĐ-UBND ngày 29/7/2024 của UBND tỉnh Hà Giang.

img8761-17250692450601863693126.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Trong chuyển đổi số, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Cả phía quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và phía đối tượng thụ hưởng, sử dụng dịch vụ công đều phải vận dụng chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất.

Thủ tướng cho rằng thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ các cháu nhỏ đến các ông, các bà hay nói cách khác chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người". Tư duy, hành động, thói quen của cơ quan hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính chuyển dần từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất các hoạt động kinh tế, xã hội. Từ phong trào, xu thế này đã xuất hiện nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng.

Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, còn có những tồn tại, hạn chế liên quan tới tư duy, nhận thức, hành động về chuyển đổi số, có nơi, có lúc chưa như mong muốn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hạ tầng số chưa đồng bộ, có nơi, có lúc còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, (mới chỉ 17% hồ sơ ở địa phương được xử lý trực tuyến toàn trình)… Đồng thời, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến phải đối mặt, giải quyết những thách thức rất lớn như phải đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao của hệ thống hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong quá trình vận động, phát triển rất nhanh của các hoạt động kinh tế, xã hội; cần số hóa một lượng lớn thông tin giấy tờ; nguồn lực Nhà nước có hạn, do đó phải huy động nguồn lực xã hội, sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp bằng tư duy, tầm nhìn, đổi mới sáng tạo; phát triển sản phẩm công nghệ số Việt Nam trước hết phải phục vụ tốt nhu cầu của người Việt Nam, rồi vươn ra khu vực và thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được trong chuyển đổi số quốc gia nói chung, đặc biệt về triển khai dịch vụ công trực tuyến, những lợi ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp; chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tham khảo, nhân rộng; nhìn nhận thẳng thắn những thách thức, tồn tại, bất cập, nhất là những điểm nghẽn; chỉ ra nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) và bài học kinh nghiệm; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới để thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã trải qua 02 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay.

Giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Một số địa phương đạt tỉ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỉ lệ rất thấp. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi mà người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Để bước vào giai đoạn 3 phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%.

Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.

Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025.

Cụ thể, năm 2024, với các bộ, ngành: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các bộ, ngành: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 70%.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Khung này sẽ hướng dẫn để các cơ quan nhà nước: (1) Tối ưu hóa các bước, quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua rà soát, hoàn thiện thể chế; (2) Phát triển các công cụ, nền tảng, ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến dựa trên hạ tầng số, dữ liệu số, có thể đo lường, giám sát trực tuyến và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng; (3) Phát triển nhân lực số; (4) Các yêu cầu, tiêu chuẩn cần đáp ứng trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

257c97a824a183ffdab0.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh và các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

Để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách TTHC, tỉnh Hà Giang đã thực hiện đúng, đủ các nội dung do trung ương triển khai, bên cạnh đó tỉnh đã triển khai thực hiện thêm một số nội dung mới đạt được hiệu quả thiết thực. Theo kết quả đánh giá do các thành viên Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ theo dõi đánh giá qua Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp tại Báo cáo số 5285/BC-VPCP ngày 25/07/2024 của Văn phòng Chính phủ, tỉnh Hà Giang năm 2023 đạt 76,85 điểm, xếp loại khá, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố. Đến ngày 30/8/2024: tỉnh Hà Giang đạt 82,55 điểm, xếp loại tốt, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố (tăng 5,70 điểm và tăng 03 bậc so với năm 2023). Kết quả công bố chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Hà Giang đạt mức độ C, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 48 bậc so với kết quả Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá năm 2023).

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thêm các sáng kiến, mô hình trong cải cách TTHC mang lại hiệu quả tại địa phương trong thời gian qua, như: Thực hiện thí điểm thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện theo mô hình Tổ chức Bộ phận Một cửa theo không gian, địa giới hành chính theo hướng thu gọn đầu mối để giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và năng suất lao động, áp dụng nguyên tắc mỗi địa bàn hành chính cấp xã có một Bộ phận Một cửa, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi, ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết TTHC” đối với 04/11 đơn vị cấp huyện; “Triển khai mô hình KIOS tra cứu thông tin dịch vụ công và gửi hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; khai sáng kiến “Cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn”.

Nguyễn Đoan
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1