No title...
No title...
No title...
Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ Hội Nàng Hai xã Vô Điếm huyện Bắc Quang
Lượt xem: 283
0:00 / 0:00
Giọng nữ Ngọc Hoa
CTTĐT –  Lễ hội Nàng Hai (hay còn gọi là Lễ hội Cầu Trăng) của người Tày Ngạn thôn Lâm, xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định 3609/QĐ-BVHTTDL ngày 27/9/2018. Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc và giá trị văn hóa của Lễ hội Nàng Hai, xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang, phóng viên Lan Phương – Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang đã có buổi trao đổi với đồng chí Hoàng Ngọc Vũ, Chủ tịch UBND xã Vô Điếm huyện Bắc Quang về ý nghĩa, nội dung lễ hội truyền thống này.
Anh-tin-bai

Lễ hội Nàng Hai được UBND xã Vô Điếm tổ chức.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của Lễ hội, xã đã định hướng và tổ chức thực hiện như nào?

Trả lời: Đồng chí Hoàng Ngọc Vũ, Chủ tịch UBND xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang cho biết: Xã Vô Điếm vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Nàng Hai (Lễ hội Cầu Trăng) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết số 15 – NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Hà Giang, trong những năm qua, UBND xã Vô Điếm xác định, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp Lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày Ngạn thôn Lâm là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và của nhân dân trên địa bàn xã, đặc biệt là của 123 hộ dân tộc Tày Ngạn đang sinh sống nơi đây. 

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Lễ hội không chỉ giúp người Tày Ngạn duy trì, gìn giữ, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nói riêng mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, chung tay xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển.

Xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội vào ngày Rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, tại Đình Thảy Ngan, đây là dịp để toàn thể nhân dân các dân tộc trong xã, du khách trong và ngoài huyện đến xem, cổ vũ, động viên khích lệ tinh thần và tham gia lễ hội. Đây cũng là dịp để xã quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, nguồn gốc của dân tộc Ngạn?

Trả lời: Đồng chí Hoàng Ngọc Vũ, Chủ tịch UBND xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang cho biết: Theo tài liệu lưu giữ, người Ngạn không phải là tộc người bản địa. Khi di cư đến Việt Nam họ được những cư dân thổ nhưỡng cho đất đai để cư trú sinh sống và phát triển cho đến nay. Người Ngạn từ trước tới nay vẫn được xem là một nhánh của tộc người Tày, gọi là Tày Ngạn, về ngôn ngữ, tiếng nói có nhiều điểm gần gũi với tiếng Tày, họ có thể giao tiếp bình thường với người Tày, người Nùng và cả người Giấy.

Trong đời sống vật chất và tinh thần của người Ngạn cũng mang nhiều nét văn hoá gần gũi tương đồng với người Tày. Người Ngạn tại thôn Lâm, xã Vô Điếm sống khá tập trung; nhà ở của họ chủ yếu là nhà sàn và nhà đất. Cộng đồng người Ngạn tại thôn Lâm, xã Vô Điếm có vốn nghệ thuật dân gian tương đối phong phú và đa dạng.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những nét độc đáo của Lễ hội truyền thống  Nàng Hai (Cầu Trăng)?

Trả lời: Đồng chí Hoàng Ngọc Vũ, Chủ tịch UBND xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang cho biết:

Người Ngạn quan niệm trên cung Trăng có mẹ Trăng và 12 nàng tiên con gái của mẹ Trăng, là những người luôn chăm lo, bảo vệ mùa màng cho muôn dân. Vì vậy hàng năm, cứ đến Rằm tháng 8 âm lịch, Người Tày Ngạn ở thôn Lâm thường duy trì tổ chức Lễ hội với ý nghĩa đón mẹ Trăng và các nàng tiên xuống vui Tết Trung Thu để Mẹ Trăng ban phước lành cho dân bản, cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cuộc sống trong bản luôn bình an và gặp nhiều may mắn. 

Lễ hội gồm hai phần: Phần lễ và Phần hội.

Phần lễ thường được tổ chức vào tối 14/8 âm lịch trên một bãi đất rộng với các nghi thức "cúng thổ công chúa bản" tại ngôi miếu chung để xin phép cho dân bản được tổ chức lễ hội cầu Trăng vào đêm hôm sau. Đúng vào tối ngày Rằm tháng Tám khi Mẹ Trăng lên khỏi đỉnh núi Khâu Lầng và bắt đầu tỏa sáng xuống bản làng, tất cả bà con tập trung ở sân. Lúc này thầy cúng tiến hành cúng thổ công và các thần linh, các nghệ nhân cúng tế múa vòng quanh giàn cúng khi khai hội đón Trăng. 

Nghi thức rước lễ từ đình về đàn cúng phải có 8 thanh niên khiêng kiệu, gồm 4 nam và 4 nữ, đi đầu là thầy cúng và các nghệ nhân múa lượn, tiếp sau là các mâm lễ vật gồm đầu lợn, 4 chân lợn, gà, vịt, rượu, các loại bánh, xôi nhuộm ngũ sắc. Khi mẹ Trăng lên khỏi đỉnh núi và bắt đầu tỏa sáng xuống bản làng, tất cả bà con tập trung ở sân. Lúc này thầy cúng tiến hành cúng thổ công và các thần linh, các nghệ nhân cúng tế múa vòng quanh giàn cúng khi khai hội đón Trăng.

Anh-tin-bai

Nghi thức rước lễ từ đình về đàn cúng.

Sau khi thực hiện xong nghi lễ trình báo mẹ Trăng và 12 nàng tiên, già làng tiến hành các nghi lễ cầu phúc, cầu may, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi; mời mẹ Trăng và các nàng tiên về ban mùa màng và phước lành cho dân bản, cho cây trồng, con giống phát triển, mùa màng bội thu. Sau đó tất cả bà con trong thôn quây quần uống rượu, múa hát quanh bàn lễ. Trai gái đều mặc những trang phục đẹp nhất, nhất là các cô gái trở nên xinh đẹp nổi bật với những trang sức bằng vòng tay, vòng cổ và xà tích bằng bạc. Họ say sưa hát những làn điệu dân ca, tiếng hát cọi, hát yến... với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi hạnh phúc lứa đôi.  Kết thúc buổi lễ, già làng sẽ phát các hạt giống cho con cháu, cầu cho tất cả bà con trong bản một vụ mùa gieo trồng thuận lợi, mùa màng bội thu, dân bản no ấm.

Khi đến với lễ hội cầu Trăng, du khách không chỉ được nghe hát những làn điệu dân ca còn được tham dự các trò chơi dân gian, được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của bà con tộc Người Ngạn như cơm lam, các món rau rừng, mắm thịt lợn, mắm cá chép ruộng, trám muối, xôi ngũ sắc, măng chua, trám đen chấm với muối vừng. 

Lễ hội cầu Trăng là ngày hội vui nhất của người Ngạn, trong những ngày này những người già gặp nhau hỏi thăm chuyện gia đình, chuyện phát triển sản xuất, chăn nuôi. Với thanh niên, đây là ngày hội để các chàng trai, cô gái gặp gỡ trao duyên. Các trẻ em được rước đèn ông sao, vui chơi, phá cỗ dưới ánh Trăng Rằm. Đêm hội cầu Trăng kết thúc khi mẹ Trăng lên giữa đỉnh đầu, cả thôn lưu luyến làm lễ tiễn mẹ Trăng về trời.

Ngoài ra, du khách sẽ được chứng kiến và tham gia các hoạt động thể thao truyền thống như: Bóng chuyền nam, nữ; thi bịt mắt bắt vịt và bắt lợn; hội thi bắt cá trong ao; đặc biệt là phần thi trang trí mâm cỗ giữa các thôn với nhau…

Thông qua việc tổ chức lễ hội cầu Trăng, bà con tộc Người Ngạn còn truyền dạy cho con cháu của mình lòng tự hào, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc của dân tộc.

Phóng viên. Cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ hội.

Anh-tin-bai

Một số mặt hàng nông sản của địa phương được trưng bày tại Lễ hội.

Anh-tin-bai

Thi trình bay mâm cơm của các thôn.

Anh-tin-bai

Thi bịt mắt bắt vịt.

Anh-tin-bai

Thi bắt cá.

Lan Phương
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1