No title...
No title...
No title...
Cột cờ Lũng Cú - Linh thiêng nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc
Lượt xem: 3085
CTTĐT - Nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang 154km về phía Bắc, Cột cờ quốc gia Lũng Cú - Hà Giang nằm trên đỉnh Lũng Cú (hay còn gọi là núi Rồng), thuộc xã Lũng Cú huyện Đồng Văn, nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Cột cờ Lũng Cú không chỉ là biểu tượng thiêng liêng, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta, mà còn gắn liền với tên gọi, mảnh đất và con người Hà Giang. 

Lũng Cú đã trở thành điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn, không thể bỏ qua của mỗi người dân Việt Nam và du khách quốc tế khi đến Hà Giang.

Anh-tin-bai

Toàn cảnh Cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang nhìn từ trên cao. (Ảnh: Sưu Tầm).

Cột Cờ Lũng Cú nằm ở độ cao gần 1.500 m so với mực nước biển, cách điểm cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3 km đường chim bay, cách thị trấn Đồng Văn 24km. Cột cờ được xây dựng theo mô hình Cột cờ Hà Nội, có tổng chiều cao 34,85m, lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận, đoàn kết trên lãnh thổ Việt Nam. Phần thân cột được thiết kế theo hình bát giác, gắn 8 hình trống đồng và 8 bức phù điêu bằng đá xanh minh hoạ các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước cũng như con người và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Hà Giang.

Để lên được đỉnh cột cờ, du khách phải đi qua 839 bậc thang. Trong đó, chặng đầu gồm 425 bậc đá, từ chân núi đến nhà chờ; chặng thứ 2 gồm 279 bậc đá, từ vị trí nhà chờ lên đến chân cột cờ, chặng thứ ba là 135 bậc bằng thép nằm trong lòng cột cờ. Trên đỉnh là cột bằng inox cao khoảng 8m, treo cờ tổ quốc có chiều dài 9m, chiều rộng 6m. Phía dưới chân cột cờ là nhà lưu niệm, trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang.

Nằm cách Cột cờ 330m phía dưới chân núi là Trạm biên phòng Lũng Cú. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ đường biên, Trạm biên phòng Lũng Cú còn có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ cột cờ Lũng Cú. Khoảng một tuần hoặc 10 ngày, họ phải thay lá cờ một lần do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh khiến cờ dễ bị rách, hư hỏng. Trong trạm, lúc nào cũng có lá cờ dự phòng.

Anh-tin-bai

Hình ảnh hóa thạch của Bọ ba thùy.

Ngoài ra, trên đường lên đỉnh Cột cờ, ở chặng bậc thang thứ hai, các nhà sử học còn phát hiện ra một loại bọ ba thùy hóa thạch trong đá vôi, có niên đại khoảng 500 triệu năm. Lưng chừng núi, có hang Sì Mần Khan có những nhũ đá nguyên sơ.

Theo hướng dẫn viên du lịch ở đây giới thiệu: Tên gọi Lũng Cú có nhiều cách lý giải khác như: Lũng Cú là Long Cư, nghĩa là nơi Rồng ở, đỉnh núi cao nhất của vùng đất Lũng Cú được đặt tên là núi Rồng. Cách thứ hai, Lũng Cú là cách đọc chệch của từ Lũng Cư, theo ngôn ngữ của người Mông có nghĩa là Lũng Ngô, là cánh đồng trồng nhiều ngô. Cách hiểu thứ ba, Lũng Cú là tên người đứng đầu một dòng họ dân tộc Lô Lô, có công khẩn hoang, gìn giữ và phát triển vùng đất.

Truyền thuyết Núi Rồng

Theo truyền thuyết để lại rằng: Lũng Cú là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc, trong đó đông nhất là đồng bào Mông và Lô Lô. Xưa kia, núi Rồng là nơi Rồng tiên thường hay đậu xuống mỗi khi xuống trần gian du ngoạn, vì yêu mến cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời nơi đây, mà Rộng tiên thường đậu xuống ngọn núi trước làng. Nhưng Rồng tiên cũng nhận thấy cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng cực khổ, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nên trước khi về trời, Rồng tiên đã động lòng thương đã để hai con mắt của rồng tại nơi này.

Anh-tin-bai

Một trong hai Hồ nước ngọt quanh năm không bị khô cạn ở chân núi Rồng (Mắt rồng).

Hai mắt Rồng đã hóa thành hai hồ nước ngọt ở hai bên chân núi. Một hồ nước của làng Thèn Pả (thuộc làng dân tộc Mông) và một hồ nước của làng dân tộc Lô Lô. Nhờ có 2 hồ nước ngọt này mà cuộc sống của người dân nơi đây đã bớt đi phần vất vả. Điều kỳ diệu là dù thời tiết có khô hạn thế nào, nước ở hai hồ này không bao giờ cạn. Xưa kia, người dân trong làng vẫn sử dụng nước ở hai hồ để ăn uống và sinh hoạt. Nhưng ngày nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đã xây dựng nhiều công trình, bể chứa nước sinh hoạt phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân. Chính vì vậy, người dân không sử dụng nước ở hồ để sinh hoạt nữa, mà chỉ sử dụng để tưới tiêu phục vụ mùa màng.

Cột cờ Lũng Cú ra đời từ thời Lý

Cùng với truyền thuyết về núi Rồng, du khách còn được hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về lịch sử ra đời của Cột cờ Lũng Cú.

Theo đó, sử sách ghi lại rằng: Khi xưa, Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân về trấn ải vùng đất biên thùy, đã cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta. Ban đầu Cột cờ chỉ làm bằng cây Sa Mộc. Từ đó, trong suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất biên ải nơi cực Bắc Tổ quốc luôn được giữ gìn và bảo vệ.

Anh-tin-bai

Chiếc Trống đồng được bảo vệ và trưng bày tại nhà lưu niệm dưới chân Cột cờ Lũng Cú. (Ảnh: Duy Tuấn)

Đến thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược, nhận ra tầm quan trọng của vùng đất biên ải này, ông đã cho xây dựng một đồn gác nơi đây, dưới đồn gác cho đặt một trống đồng, mỗi một canh được đánh lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Cũng vì lẽ đó, mảnh đất này còn có tên gọi là Long Cổ (tức trống của vua).

Năm 1887, khi thực dân Pháp và triều đình Mãn Thanh tiến hành phân giới cắm mốc đã có ý định cắt phần đất này cho phía Trung Quốc. Nhờ sự đấu tranh bảo vệ kiên cường của nhân dân nên mảnh đất biên cương được giữ vững. Năm 1978, Đồn biên phòng Lũng Cú dựng một cột cờ cao trên 10m bằng gỗ sa mộc, treo lá cờ 1,2m2. Năm 1991, được sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, nhân dân đã tìm được 1 cây Pơ Mu cao gần 13m được vận chuyển lên đỉnh núi Rồng làm cột cờ.

Năm 2000, tỉnh Hà Giang cho xây dựng cột cờ tại vị trí ngày nay cũng là vị trí treo lá cờ khi xưa. Từ tháng 8-12/2000, những chiếc quẩy tấu thô mộc của người dân Lũng Cú lại kéo lên đỉnh núi cao Rồng gần 2 tấn thép, 8.000 viên gạch, gần 70 mét khối đá và cát để dựng nên cột cờ xây. Cột cờ được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm 2001 và hoàn thành vào 21 tháng 12 năm 2001. Năm 2002, con đường lên cột cờ được nâng cấp, trải nhựa và xây dựng toàn bộ các bậc đá. Cột cờ Lũng Cú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và Danh thắng quốc gia vào ngày 18/11/2009.

Tháng 3 năm 2010, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kinh phí cho Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn làm chủ đầu tư, đã cho tiến hành khởi công trùng tu, nâng cấp cột cờ quốc gia Lũng Cú mới ngay tại vị trí cũ. Sau 196 ngày thi công, cột cờ quốc gia Lũng Cú đã hoàn thành và cắt băng khánh thành vào ngày 25/9/2010. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Hiện nay, Cột cờ Lũng Cú được Đồn biên phòng Lũng Cú thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang quản lý và chịu trách nhiệm bảo vệ. Theo lãnh đạo Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết: Đồn Biên phòng đã có trạm canh gác ở dưới chân Cột cờ và mỗi tuần các chiến sỹ trực ở đây sẽ thay mới lá cờ một lần, còn lâu nhất là 10 ngày, do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh khiến cờ dễ bị hư hỏng.

Có thể nói, biểu tượng lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay phấp phới trên đỉnh Lũng Cú không chỉ là biểu tượng khẳng định chủ quyền của dân tộc và đất nước Việt Nam mà còn là biểu tượng tinh thần bất khuất, ý chí tự lực, tự cường phấn đấy vươn lên của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. 

Lan Phương(Tổng hợp)
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0