No title...
No title...
No title...
Họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão số 3 năm 2024
Lượt xem: 539
CGTĐT – Chiều ngày 05/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với 27 Bộ, ngành, tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc nhằm triển khai công tác ứng phó với bão số 3 năm 2024. Đồng chí Hoàng Nhị Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT – Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hà Giang; cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị là thành viên Ban chỉ huy tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo cuộc họp chiều ngày 05/9.

Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Bão số 3 có tên gọi quốc tế là Yagi được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây. Sáng 3/9, bão Yagi đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc biển Đông với cường độ cấp 8, giật cấp 11. Đến 10 giờ sáng 5/9, tâm bão tại vị trí 19,1 độ vĩ Bắc, 115,5 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 490 km về phía Đông với cường độ cấp 16, giật cấp 17 trên vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông. Trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 7 - 9 m, vùng gần tâm bão 10 - 12 m, biển động dữ dội.

Dự báo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10 - 15km/h; tiếp tục duy trì cường độ rất mạnh cấp 16, giật trên cấp 17 trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Rủi ro thiên tai cấp độ 4 với phía Bắc khu vực Bắc biển Đông trong các ngày 5 - 7/9. Khoảng chiều tối 7/9 bão đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình) với cường độ cấp 9 - 12, giật cấp 13 - 14. Từ tối và đêm 6/9, bão có thể vào vịnh Bắc Bộ, kèm theo mưa, gió tăng rõ rệt. Vào chiều và đêm 7 - 8/9 sẽ có mưa to. Dự báo đến chiều 8/9, gió ven biển giảm, mưa tập trung ở Tây Bắc bộ.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến nay, đã thực hiện kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người, trong đó có 1.543 tàu/10.045 người đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ. Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú. Các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9; Ninh Bình cấm biển từ 13 giờ 00 phút ngày 5/9.

Đồng chí Hoàng Nhị Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT – Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Giang báo cáo công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão.

Tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Nhị Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT – Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Giang cho biết, hiện tỉnh đang khẩn trương triển khai phương án ứng phó bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, trong đó, chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt; chỉ đạo vận hành an toàn tuyệt đối các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để đảm bảo an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du không để bị động, bất ngờ trong ứng phó thiên tai nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản; đồng thời bố trí trực ban nghiêm túc, theo dõi nắm bắt thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa, bão, lũ để kịp thời chỉ đạo triển khai ứng phó diễn biến bão theo tình hình thực tế.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cơn bão số 3 rất mạnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương. Chính phủ rất quan tâm đến diễn biến của bão. Ngay trong ngày 05/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Công điện để chỉ đạo ứng phó với bão.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 và số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trên tinh thần “4 tại chỗ”, các ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ, nhất là ở những nơi xung yếu. Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão tại các địa phương, các tỉnh, thành phố, các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến với người dân ứng phó với bão, lũ, bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo, khu vực ven biển, trên đất liền và miền núi. Duy trì tốt công tác dự báo thường xuyên với số liệu đầy đủ, chính xác phục vụ các lực lượng trên biển và người dân chủ động phòng tránh bão an toàn; tăng cường phối hợp trao đổi với cơ quan dự báo thủy văn các quốc gia để có sự kiểm soát khi bão đổ bộ vào đất liền. Cơ quan khí tượng thủy văn cần cập nhật thường xuyên bản đồ về lũ quét, sạt lở ở các tỉnh vùng núi cao, nhất là những nơi xung yếu, có nguy cơ đứt gãy về địa chất, để thực hiện ngay các biện pháp di dời dân cư. Ban chỉ huy các cấp cần có sự vào cuộc đồng đều của các lực lượng, tiếp tục chuẩn bị chu đáo nhất có thể với mục tiêu không để có thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.

Nguyễn Đoan
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1