Thủ tướng chỉ thị kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường trong nước
CGTĐT - Ngày 27/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.
Theo đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp.
Thủ tướng yêu cầu sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án đầu tư tạo năng lực sản xuất mới. Trong đó, tập trung rà soát, ưu tiên các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, các gói tín dụng, đất đai cũng như các chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các dự án phù hợp với quy mô và tín hiệu thị trường.
Các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), công nghệ blockchain để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương:
Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt.
Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cho các vùng nuôi, trồng tập trung.
Phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh sản xuất xanh, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục công bố, hợp quy thuốc thú y; thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang các thị trường lân cận như Trung Quốc, khẩn trương đàm phán thống nhất với cơ quan liên quan của Trung Quốc giảm tỷ lệ kiểm dịch động thực vật, khơi thông hàng hóa nông sản vào thị trường Trung Quốc.
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững, xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội nhằm kích cầu tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng được sản xuất trong nước như xi măng, sắt thép, gạch, ngói, …
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; chủ trì, phối với bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét chính sách khuyến đối với các dự án đầu tư có sử dụng nguyên vật liệu, hàng hóa trong nước đã sản xuất được. Thường xuyên rà soát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công và có biện pháp xử lý đối với các dự án chậm triển khai.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn về mặt bằng phục vụ thu hút, mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… để tạo năng lực sản xuất mới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Hiệp hội ngành hàng chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thành viên trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa để kịp thời đề xuất các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ.