Thương mại – Du lịch Hà Giang khơi dậy tiềm năng, vượt qua thách thức
CGTĐT - Trong bối cảnh cả nước chung tay vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển, cũng như các địa phương khác, Hà Giang – mảnh đất biên cương giàu bản sắc văn hóa và tiềm năng tự nhiên cũng đang từng ngày “thay da đổi thịt” nhờ đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 không chỉ khẳng định sự thích ứng linh hoạt của địa phương, mà còn mở ra hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đẩy mạnh phát triển du lịch ở Mèo Vạc.
Nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển
Hà Giang sở hữu lợi thế lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa. Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Mã Pì Lèng hùng vĩ, cột cờ Lũng Cú hay các bản làng dân tộc độc đáo đã trở thành những điểm đến hút khách trong và ngoài nước. Sự đa dạng về bản sắc dân tộc cũng là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm.
Về thương mại, vị trí địa lý nằm trên hành lang kinh tế Việt Trung giúp Hà Giang có nhiều tiềm năng phát triển thương mại biên giới, nhất là tại các cửa khẩu như Thanh Thủy – nơi đã và đang được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, logistics.
Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều chương trình xúc tiến, hội chợ thương mại vùng cao, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc trưng như cam sành, mật ong bạc hà, chè Shan tuyết, tạo thêm kênh phân phối và quảng bá hiệu quả.
Kết quả cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, Hà Giang đón trên 1,7 triệu lượt du khách, tăng 0,86% so với cùng kỳ. Trong đó, có gần 300 nghìn lượt khách quốc tế và hơn 1,4 triệu lượt khách nội địa, doanh thu từ du lịch ước đạt trên 4.600 tỷ đồng.
Đặc biệt, khách quốc tế đến Hà Giang đang phục hồi nhanh, nhờ việc khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch mang tính khám phá, trải nghiệm. Các mô hình du lịch cộng đồng tại Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Yên Minh... được đánh giá cao cả về chất lượng dịch vụ và tính bản địa.
Lĩnh vực dịch vụ vận tải, lưu trú và ăn uống cũng tăng trưởng tốt. Nhiều cơ sở lưu trú từ 2-3 sao tại TP. Hà Giang và Đồng Văn hoạt động ổn định, doanh thu tăng hơn 15% nhờ lượng khách đến đều hơn vào các ngày cuối tuần và dịp lễ hội.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Giang vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Hạ tầng du lịch ở nhiều khu vực trọng điểm còn thiếu đồng bộ, đường giao thông vào các điểm du lịch còn hạn chế, đặc biệt vào mùa mưa. Nguồn nhân lực du lịch chưa được đào tạo bài bản, thiếu nhân lực có kỹ năng ngoại ngữ và nghiệp vụ chuyên sâu. Thương mại biên giới còn phụ thuộc nhiều vào thời vụ và chính sách kiểm soát biên mậu; hoạt động xuất nhập khẩu chưa ổn định. Việc ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử tại các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể còn hạn chế, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận thị trường rộng hơn.
Hướng đến phát triển hài hòa và bền vững
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các giải pháp đồng bộ: Xúc tiến đầu tư hạ tầng du lịch gắn với phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường liên kết vùng, tạo chuỗi sản phẩm du lịch liên tỉnh như tuyến Đông Tây Bắc, Hà Giang – Lào Cai – Cao Bằng. Đẩy mạnh thương mại điện tử, hỗ trợ kết nối nông sản địa phương với hệ thống phân phối hiện đại. Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành dịch vụ – du lịch, từng bước chuyên nghiệp hóa ngành nghề.
Mong rằng với sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng hành của người dân – doanh nghiệp và những kết quả đạt sẽ là nền tảng vững chắc Hà Giang tiếp tục bứt phá trong lĩnh vực thương mại, du lịch và dịch vụ của vùng đất địa đầu Tổ quốc.