Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia thảo luận tổ về một số dự án luật
CGTĐT - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8. Chiều 08/11/2024, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Tham gia phát biểu thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã góp ý nhiều nội dung quan trọng.
Tham gia ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo: Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho rằng: Khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 23 Luật Quảng cáo quy định “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp…” có thể gây ảnh hưởng tới nguồn doanh thu của các nền tảng và trang thông tin điện tử, vốn đang cung cấp rất nhiều dịch vụ và nội dung miễn phí tới người dùng.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan phát biểu thảo luận.
Theo đại biểu, khoảng thời gian 6 giây là rất ngắn, không đủ để một doanh nghiệp có thể quảng cáo và đảm bảo rằng người dùng sẽ nắm được đầy đủ nội dung, thông điệp trong quảng cáo đó. Đồng thời khiến doanh thu quảng cáo trên các nền tảng, trang thông tin điện tử đó giảm. Điều này làm cho cơ hội tiếp cận dịch vụ, nội dung miễn phí của người dùng giảm đi, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Ngoài ra, chính bản thân các nền tảng, trang thông tin điện tử cũng phải tự cần bằng giữa lợi ích tài chính đến từ quảng cáo và lợi ích của người dùng, do quảng cáo quá dài sẽ gây phản cảm, khiến cho người dùng ngừng sử dụng dịch vụ.
Phó Trưởng đoàn Lý Thị Lan cho rằng quy định như trên có thể ảnh hưởng tới nguồn thu của cơ quan báo chí, vốn đang phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ quảng cáo để có thể tự chủ tài chính. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về Quy hoạch phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025, đối với báo điện tử và tạp chí điện tử, về cơ bản cơ quan này sẽ tự cân đối tài chính. Tuy nhiên, đến nay mới có 39% cơ quan báo, tạp chí có thể tự đảm bảo chi thường xuyên. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉ lệ doanh thu từ quảng cáo của các cơ quan báo chí luôn luôn trên 60%, thậm chí có thể lên đến 90%. Đại biểu đề xuất cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát, đánh giá kỹ tác động của quy định trên, xem xét cho phép thị trường được tự quyết định về thời lượng quảng cáo phù hợp nhất với nhu cầu, mục đích của họ, và bỏ quy định phải cho phép người dùng có thể tắt quảng cáo trong vòng 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo.
Theo đại biểu, tại khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 23 Luật Quảng cáo quy định rằng “Sản phẩm quảng cáo phải được đặt ở vị trí theo quy định, không đặt vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật theo quy định pháp luật của Việt Nam; không quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, hiện nay số lượng nội dung trên mạng là rất nhiều, đặc biệt là lượng trang thông tin điện tử mới, lượng nội dung mới được đăng tải lên mạng mỗi ngày. Trong khi đó quy định trên lại đang yêu cầu các nền tảng phải rà quét những nội dung này mới có thể quảng cáo. như vậy, việc rà quét ở tầm lớn như thế này là không khả thi đối với các công cụ rà quét, lọc nội dung của các nền tảng và các đơn vị quảng cáo. Hơn nữa, trong chuỗi giá trị quảng cáo trực tuyến có nhiều bên khác nhau cùng tham gia vào để đưa sản phẩm quảng cáo tới người dùng nên cũng không thể đảm bảo được nội dung trên một trang web hay kênh mạng xã hội sẽ luôn luôn “sạch”. Theo đại biểu, yêu cầu này không đảm bảo tính thực thi của quy định, cũng như gia tăng chi phí để thực hiện quảng cáo trực tuyến, vốn rất quan trọng đối với lĩnh vực thương mại điện tử.
Đại biểu cho rằng, trong lĩnh vực thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang áp dụng một mô hình cơ chế quản lý tương đối hiệu quả, trong đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo nội dung vi phạm pháp luật tới các nền tảng, và các nền tảng sẽ phải gỡ bỏ nội dung đó khi nhận được văn bản yêu cầu. Đây là một cơ chế quản lý tốt, có thể được áp dụng trong trường hợp này, vừa đảm bảo tính linh hoạt cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp, vừa đảm bảo tính thực thi của Luật Quảng cáo về sau. Do đó, đại biểu đề xuất ban soạn thảo sửa đổi lại điểm b khoản 3 Điều 23 dự thảo Luật.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định Đoàn Hà Giang phát biểu thảo luận.
Tham gia ý kiến vào hồ sơ Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Hoàng Ngọc Định, đoàn Hà Giang đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét về các số liệu đưa ra trong dự thảo Nghị quyết như: Các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1%/năm và tỷ lệ gia tăng người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 1%/năm; tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy trên toàn quốc đạt trên 20%; chỉ tiêu về xác định tình trạng nghiện..
Đề nghị bổ sung đối tượng là lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng Biên phòng cũng được bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực có liên quan như lực lượng Công an nhân dân, Cảnh sát biển, Hải quan; bổ sung đối tượng là đơn vị và cán bộ, chiến sỹ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Hải quan cũng được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại như đối với Biên phòng và Cảnh sát biển; xem xét thay thế cụm từ “chất dạng thuốc phiện” bằng “chất gây nghiện” cho đúng với thuật ngữ quy định.
Liên quan đến kinh phí thực hiện Chương trình, đại biểu đưa ra đề xuất là sử dụng số liệu là số chẵn, không nên sử dụng số liệu tuyệt đối như trong dự thảo…
Tham gia ý kiến vào dự án Luật Hoá chất (sửa đổi), đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị cần nghiên cứu kỹ đối với quy định về hỗ trợ ưu đãi đặc biệt với lĩnh vực hóa chất trọng điểm do Dự thảo Luật cũng chưa có quy định về cơ chế ưu đãi đặc thù cho phát triển công nghiệp hóa chất;
Về khai báo hóa chất nhập khẩu: Theo đại biểu quy định tất cả các hóa chất khi nhập khẩu phải được khai báo” là phù hợp. Vì thông tin về hóa chất nhập khẩu đảm bảo tính xác thực phục vụ xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch định hướng ngành sản xuất hóa chất, các hóa chất mới có đặc tính nguy hiểm được nhận diện kịp thời và có các hướng dẫn kỹ thuật phù hợp để đảm bảo an toàn, giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe con người và môi trường. Số liệu về khai báo hóa chất nhập khẩu sẽ được đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu hóa chất và cung cấp trực tiếp cho các Bộ quản lý chuyên ngành và địa phương, qua đó sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu quan trọng này và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước việc quy định giao các bộ, ngành quản lý hoá chất sử dụng trong lĩnh vực quản lý là phù hợp…

Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự phiên họp toàn thể tại hội trường sáng ngày 08/11/2024.
Trước đó, tại phiên họp buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe các Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.