Hà Giang: Tiếp tục đưa chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù vào cuộc sống
CGTĐT - Quan tâm tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương tái hoà nhập cộng đồng có nghề để sinh sống là chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta đã được thực hiện nhiều năm qua. Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội triển khai thực hiện chương trình tín dụng cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn toàn tỉnh.
Để triển khai chương trình cho vay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù, hoàn thành công tác rà soát và tổng hợp nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng nguồn tín dụng. Đến ngày 31/12/2024, nguồn vốn nhận uỷ thác từ ngân sách địa phương để cho vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg đạt 1.260 triệu đồng. Doanh số cho vay năm 2024 đạt 4.500 triệu đồng/47 hộ gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn. Nguồn vốn vay không chỉ giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo điều kiện để những thành viên trong gia đình có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quản Bạ thực hiện giải ngân nguồn vốn cho vay đối với hộ gia đình ông Giàng Mí Páo, thôn Séo Lủng 1, xã Thái An vay 60 triệu đồng, với mục đích để mua Bò chăn nuôi sinh sản, nuôi Bò vỗ béo trong thời hạn 60 tháng. Ảnh nguồn: quanba.hagiang.gov.vn
Theo đồng chí Lê Tuấn Quang, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Giang cho biết: Chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù là một trong những chính sách quan trọng mang ý nghĩa nhân văn, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định khi trở về địa phương. Những người được vay vốn đều đã chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không vi phạm các tệ nạn xã hội, do công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Phương thức cho vay thông qua hộ gia đình; đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng CSXH. Thông qua nguồn vốn vay, không chỉ tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng hoàn lương, thúc đẩy quá trình hòa nhập với cộng đồng, mà còn làm giảm nguy cơ tái phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, anh Trần Khương Duy, thị trấn Vĩnh Tuy mạnh dạn vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ để đầu tư mua 20 con dê giống phát triển mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hà Toản
Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Về thời hạn cho vay: Đối với vay vốn để đào tạo nghề: Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định. Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 02 lần thời hạn phát tiền vay; đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng. Thời hạn cho vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét, quyết định trên cơ sở căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn để thỏa thuận với khách hàng vay vốn. Về phương thức cho vay, đối với người chấp hành xong án phạt tù thì đại diện hộ gia đình đứng tên vay vốn và giao dịch với ngân hàng; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.
Cũng như bao con người bình thường khác trong xã hội, những người hoàn lương cũng có ước mơ về cuộc sống ổn định và một mái ấm bình yên sau những ngày tháng lầm lỡ. Song, hành trình hướng thiện của họ là những ngày đầy khó khăn khi đối mặt với định kiến xã hội và tìm kiếm việc làm không hề đơn giản. Tại tỉnh Hà Giang, người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá khi trở về địa phương tái hoà nhập cộng đồng đa số là người dân tộc thiểu số hiểu biết pháp luật còn hạn chế, một số sơ cở sản xuất kinh doanh chưa sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù là một khó khăn của tỉnh khi triển khai chương trình. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách địa phương tại một số huyện còn hạn hẹp, chưa bố trí sắp xếp được nguồn uỷ thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay. Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Giang tiếp tục chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với công an các xã, thị trấn, chính quyền địa phương triển khai tốt chương trình, hướng dẫn hồ sơ thủ tục vay vốn theo quy định, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn này. Qua đó, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tình trạng tái phạm tội để giữ vững tình hình trật tự, an toàn xã hội đem lại cuộc sống bình yên trên địa bàn toàn tỉnh.