Hiệu quả rõ nét từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Hà Giang
CGTĐT - Hà Giang, vùng đất biên cương nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, với địa hình núi đá hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt từng là rào cản lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây. Nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tiếp thêm động lực giúp Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Giang vươn lên “biến khó khăn thành động lực”, quyết tâm phấn đấu tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng vùng đất biên cương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Người dân hạnh phúc trong ngôi nhà mới kiên cố ở Đồng Văn.
Lãnh đạo, chỉ đạo - đồng bộ, quyết liệt
Để có được kết quả trên, phải kể đến một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước hiện đang được tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả với sự lãnh đạo chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận nhất trí cao của người dân, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã mang lại mái ấm vững chắc cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, người có công và đồng bào dân tộc thiểu số được ở trong ngôi nhà mới khang trang, ổn định cuộc sống, từng bước nâng cao thu nhập.
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Hà Giang đến ngày 26/4/2025, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, toàn tỉnh đã khởi công 5.029 căn nhà, trong đó có 4.469 căn được xây mới và 560 căn được sửa chữa, với 3.441 căn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Những con số biết nói này là kết quả sinh động cho thấy hiệu quả rõ rệt từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Sự thành công của chương trình có phần đóng góp quan trọng từ việc kiện toàn và tổ chức hiệu quả bộ máy lãnh đạo. Trong Quyết định số 1867-QĐ/TU ngày 28/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã củng cố lại Ban Chỉ đạo chương trình với sự tham gia của nhiều lãnh đạo chủ chốt từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các sở, ban, ngành. Với phương châm làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm nhưng đề cao trách nhiệm cá nhân, Ban Chỉ đạo đã phát huy tối đa hiệu quả chỉ đạo, giám sát tiến độ và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.
Nguồn lực thực hiện chương trình được phân bổ hợp lý từ các chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách địa phương. Đồng thời, nhiều huyện, xã còn chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa, thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo trong triển khai.

Ngôi nhà mới của người dân đảm bảo cứng nền, cứng khung, cứng mái.
Những mái nhà mới – niềm vui, niềm tin mới của người dân
Chương trình đã thực sự chạm đến những đối tượng yếu thế trong xã hội. Trong tổng số 5.029 căn đã triển khai, có tới gần 3.000 căn dành cho hộ nghèo, cận nghèo ngoài các chương trình mục tiêu, thể hiện sự bao trùm và không bỏ sót người cần giúp đỡ. Đặc biệt, có tới gần 100.000 ngày công được huy động từ cộng đồng và lực lượng vũ trang, trong đó gần 17.000 ngày công đến từ quân đội, công an – là minh chứng sinh động cho tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Không ít người dân khi nhận được ngôi nhà mới đã rơi nước mắt xúc động vì trước kia khi ở những ngôi nhà cũ tạm bợ, dột nát, không đảm bảo an toàn mỗi khi mưa gió. Giờ đây, trong ngôi nhà mới vững chắc, kiên cố, người dân không còn nỗi lo mưa to dột nhà, mưa đá sập mái hay tốc mái, người dân cảm thấy an tâm hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Những căn nhà vững chãi không chỉ là “lá chắn” bảo vệ người dân trước sự khắc nghiệt của thời tiết miền núi mà còn đem lại niềm tin và hy vọng cho họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhìn những ngôi nhà mới kiên cố, vững trãi không chỉ là mái ấm vật chất; giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, có thời gian, điều kiện chăm sóc con cái mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc kết nối cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, gắn bó, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, vươn lên của toàn xã hội.
Từ những kết quả trên có thể khẳng định rằng: Chương trình xóa nhà tạm tại Hà Giang không dừng ở khẩu hiệu hay kế hoạch trên giấy, mà đi vào hành động cụ thể, có số liệu minh chứng rõ ràng. Nhờ cách làm bài bản, đồng bộ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang và người dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn. Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Hà Giang là một điển hình thành công trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Không chỉ giúp ổn định cuộc sống, các căn nhà mới còn là “bàn đạp” để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn là cách Đảng, Nhà nước và Nhân dân cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn – nơi không ai bị bỏ lại phía sau.