Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp trực tuyến về công tác Cải cách hành chính 4 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ
CGTĐT – Chiều ngày 12/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ về công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2024. Đồng chí Phùng Quốc Chí, Chánh Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì buổi làm việc. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Phạm Hồng Thanh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh – Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06.

Đồng chí Phạm Hồng Thanh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh – Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Hà Giang phát biểu ý kiến.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương đã quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác và tổ chức triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC đạt một số kết quả nổi bật. Về cải cách TTHC, Bộ đã thẩm định 40 TTHC quy định tại 03 dự thảo thông tư; thực hiện đánh giá tác động đối với 147 TTHC (40 TTHC ban hành mới, 100 TTHC sửa đổi, bổ sung, 07 TTHC bãi bỏ) trong 10 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (gồm 01 luật, 06 nghị định và 03 thông tư).
Qua rà soát, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 20 TTHC; trong đó, Bộ kiến nghị sửa đổi, bổ sung 19 TTHC, bãi bỏ 01 TTHC. Trong hoàn thành việc phân cấp 17 TTHC. Lũy kế đến nay, Bộ đã hoàn thành thực thi phương án phân cấp của 19/26 TTHC.
Đối với việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư, đến nay Bộ đã hoàn thành thực thi phương án đơn giản hóa biểu mẫu, mẫu đơn tờ khai liên quan đến giấy tờ công dân của 70/100 TTHC theo Nghị quyết số 136/NQ-CP, đạt 70%.
Qua tổng hợp số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2024, tỉnh Hà Giang đã đánh giá tác động, thẩm định 18 TTHC tại 07 dự thảo VBQPPL (05 dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh và 02 dự thảo Quyết định). Tỉnh đã ban hành 02 Quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa 13 TTHC; ban hành 01 Quyết định phân cấp một số nội dung về quản lý công chức, viên chức, tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh; 01 Quyết định phê duyệt Phương án ủy quyền trong giải quyết TTHC đối với 39 TTHC; ban hành 01 Quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa 54 TTHC.
Đối với việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, TTHC liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 11/6/2024, tỉnh Hà Giang đã phê duyệt 01 Báo cáo phương án đơn giản hoá và kiến nghị cắt giảm quy định TTHC liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp 18 TTHC. Việc công bố, công khai TTHC ban hành tại các VBQPPL được tỉnh xác định là nhiệm vụ công tác phải triển khai thường xuyên, liên tục, kịp thời với công tác ban hành VBQPPL theo thẩm quyền, trong năm 2024 tỉnh Hà Giang đã ban hành 75 Quyết định công bố, công khai TTHC.
Đối với việc ban hành danh mục thành phần hồ sơ phải số hóa theo quy định tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP, 100% các cơ quan, đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả TTHC. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 86,91%; Tỷ lệ kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt 83,99% cơ bản đáp ứng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với việc thực hiện tái cấu trúc quy trình các TTHC, dịch vụ công đã được tích hợp trên Cổng DVCQG và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, tỉnh Hà Giang đã xây dựng quy trình liên thông giải quyết TTHC đối với 625 TTHC. Chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình quy định cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia được 1.872 DVC/1952 TTHC, đạt tỷ lệ 95,90% trên tổng số TTHC. Cung cấp 405 DVC trực tuyến toàn trình quy định không sử dụng hồ sơ giấy trong tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC, chỉ tiếp nhận hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh (Cổng Dịch vụ công tỉnh) và có thành phần hồ sơ TTHC được tạo lập điện tử đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, lưu trữ hồ sơ TTHC điện tử. Thực hiện tái cấu trúc quy trình TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 14/14 DVC thiết yếu thuộc nhiệm vụ của các Sở, ban, ngành tỉnh trong tổng số 53 DVC thiết yếu Chính phủ giao.
Về tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công, tỉnh Hà Giang đạt 1.156 (58,41%) (chỉ tiêu trong năm 2024 Chính phủ đề ra là 45%). Tỉnh đã tiếp nhận tổng số 88 phản ánh, kiến nghị (PAKN) của cá nhân, tổ chức về hành vi hành chính và quy định hành chính; đã xem xét, xử lý và trả lời 88 PAKN, bằng 100.
Kết quả tổng hợp Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử năm 2024, tỉnh Hà Giang đạt 85,57 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, xếp loại Tốt. Theo kết quả công bố chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Hà Giang đạt mức độ C, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 48 bậc so với kết quả Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá năm 2023).
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Hồng Thanh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh – Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh cho biết: Trong năm qua tỉnh đã triển khai thêm 3 sáng kiến, mô hình trong cải cách TTHC mang lại hiệu quả tại địa phương. Đó là: Thực hiện thí điểm thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện theo mô hình Tổ chức Bộ phận một cửa theo không gian, địa giới hành chính theo hướng thu gọn đầu mối để giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và năng suất lao động, áp dụng nguyên tắc mỗi địa bàn hành chính cấp xã có một Bộ phận một cửa, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi, ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết TTHC” đối với 04/11 đơn vị cấp huyện, phát huy tốt vai trò giám sát, tham mưu UBND huyện thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, quản lý.
Triển khai mô hình KIOS tra cứu thông tin dịch vụ công và gửi hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Việc triển khai các Hệ thống tự động này, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC một cách nhanh chóng, thuận tiện, không cần phải trực tiếp đến Bộ phận Một cửa các cấp.
Hợp tác với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam triển khai sáng kiến “Cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn”, việc triển khai này giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn gửi hồ sơ trực tuyến ngay tại nơi cư trú, không phải đi lại, tiết kiệm được chi phí, thời gian. Đồng thời góp phần thúc đẩy, tuyên truyền về chuyển đổi số, giúp người dân hưởng lợi ích từ việc chuyển đổi số.
Đối với những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, tỉnh Hà Giang kiến nghị xem xét chỉ đạo quy định rõ thời gian lấy số liệu đồng bộ hồ sơ từ các Hệ thống và thời gian, kỳ báo cáo chốt số liệu khớp với thời gian, kỳ số liệu đồng bộ hồ sơ và đề nghị xem xét chỉ đạo ban hành quy định thời điểm tổng hợp kết quả của Bộ chỉ số; chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể và thống nhất trong cách tỉnh tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến.