No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
No title...
Hà Giang nỗ lực xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại
Lượt xem: 180
CGTĐT - Với mục tiêu: “Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền”, tỉnh Hà Giang luôn xác định nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá của tỉnh, từ đó tạo động lực nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong toàn tỉnh.

Để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách TTHC, tỉnh Hà Giang đã thực hiện đúng, đủ các nội dung do Trung ương triển khai, bên cạnh đó tỉnh đã triển khai thực hiện thêm một số nội dung mới đạt được hiệu quả thiết thực. Để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 05/01/2024, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024, UBND tỉnh đã ban hành 96 văn bản chỉ đạo, điều hành về Cải cách TTHC. Kết quả tỉnh hoàn thành 26/33 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 78,79%; hoàn thành 45/48 nhiệm vụ, đạt 93,75%; hoàn thành tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các Cơ sở dữ liệu 23/32 nhiệm vụ, đạt 71,86%. Nhiều chỉ tiêu về cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu giao, như: 99,72% hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn (chỉ tiêu giao trên 98%); 81,88% hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC (chỉ tiêu giao trên 50%); 87,99% giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (chỉ tiêu giao tối thiểu 45%); 97,57% tỷ lệ người dân hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC (chỉ tiêu giao tối thiểu 90%). 

Trong năm 2024, tỉnh đã thực hiện giảm thời gian giải quyết trên 265 TTHC ngay từ khâu đầu tiên công bố Danh mục TTHC; hoàn thành rà soát, đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình cho 567 TTHC nội bộ để giải quyết công việc cụ thể cho cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong CQHCNN theo quy định tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg; phê duyệt phương án đơn giản hóa 13 TTHC giúp giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân được nhanh chóng, thuận tiện hơn.

6e49855638bd85e3dcac.jpg

Khách hàng đến giao dịch TTHC tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh.

Với mục tiêu luôn luôn lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể để phục vụ, tỉnh chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Tỉnh cũng thực hiện công bố Danh mục 405 dịch vụ công trực tuyến toàn trình không sử dụng bản giấy, qua đó tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin, giải quyết TTHC. Đến nay tỷ lệ nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt 81,88%. 

Kết quả tổng hợp Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử 11 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Hà Giang đạt 85,43/100 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, xếp loại Tốt. Kết quả công bố chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Hà Giang đạt mức độ C, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 48 bậc so với kết quả đánh giá năm 2023.

d661f9e2fd0940571918.jpg

UBND tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho cán bộ, CCVC huyện Quản Bạ.

Từ những cách làm và kết quả thực hiện trên, trong năm 2024 tỉnh đã triển khai thêm 3 sáng kiến, mô hình trong cải cách TTHC mang lại hiệu quả tại địa phương. Đó là: Thực hiện thí điểm thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện theo mô hình Tổ chức Bộ phận một cửa theo không gian, địa giới hành chính theo hướng thu gọn đầu mối để giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và năng suất lao động, áp dụng nguyên tắc mỗi địa bàn hành chính cấp xã có một Bộ phận một cửa, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi, ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết TTHC” đối với 04/11 đơn vị cấp huyện, phát huy tốt vai trò giám sát, tham mưu UBND huyện thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, quản lý;

Triển khai mô hình KIOS tra cứu thông tin dịch vụ công và gửi hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Việc triển khai các Hệ thống tự động này, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC một cách nhanh chóng, thuận tiện, không cần phải trực tiếp đến Bộ phận Một cửa các cấp;

Hợp tác với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam triển khai sáng kiến “Cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn”, việc triển khai này giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn gửi hồ sơ trực tuyến ngay tại nơi cư trú, không phải đi lại, tiết kiệm được chi phí, thời gian. Đồng thời góp phần thúc đẩy, tuyên truyền về chuyển đổi số, giúp người dân hưởng lợi ích từ việc chuyển đổi số.

Để đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tại cuộc họp trực tuyến giữa Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ với 4 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ về công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2024 vào ngày 12/12/2024, đồng chí Phạm Hồng Thanh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh – Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh kiến nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo quy định rõ thời gian lấy số liệu đồng bộ hồ sơ từ các Hệ thống và thời gian, kỳ báo cáo chốt số liệu khớp với thời gian, kỳ số liệu đồng bộ hồ sơ và đề nghị xem xét chỉ đạo ban hành quy định thời điểm tổng hợp kết quả của Bộ chỉ số; chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể và thống nhất trong cách tỉnh tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Với quyết tâm thực hiện tốt công tác cải cách TTHC trong thời gian tới, năm 2025, tỉnh Hà Giang tiếp tục xác định công tác cải cách TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu. Để thực hiện tốt, tỉnh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, các văn bản của Bộ, ngành Trung ương và các Chương trình, kế hoạch của tỉnh về cải cách TTHC, trong đó tập trung vào 04 điểm nghẽn của tỉnh đã chỉ ra tại báo cáo Trung tâm, đó là: (1) Rà soát các văn bản có quy định TTHC để kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bảo đảm phù hợp với Luật ban hành văn bản; (2) Rà soát, làm sạch dữ liệu, thực hiện nghiêm việc Công bố công khai TTHC; (3) Thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; (4) Thực hiện cấp kết quả điện tử đối với 100% kết quả giải quyết TTHC.

Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, kỳ vọng năm 2025 công tác cải cách hành chính của tỉnh Hà Giang sẽ đạt được nhiều kết quả vượt bậc, phục vụ tốt nhu cầu giải quyết TTHC của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, từ đó nâng cao các chỉ số PCI, PAR INDEX của tỉnh, đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh Hà Giang trong tình hình mới.

Nguyễn Đoan - Cẩm Linh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1