No title...
No title...
No title...
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luận tại tổ về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước
Lượt xem: 36
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/10/2024 Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về các nội dung: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luận tại tổ số 6 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Định. Tại phiên thảo luận tổ, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024 cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đồng thời các ĐBQH đã tham gia nhiều ý kiến liên quan đến việc thực hiện các CTMTQG, đồng thời, đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ để chủ động trước sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai… 

https://dbnd.hagiang.gov.vn/SiteFolders/dbndhp/2376/tinddbqh/2024102711.JPG

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Lý Thị Lan phát biểu thảo luận.

Tham gia ý kiến vào kết quả thực hiện 03 CTMTQG, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lý Thị Lan cho biết hiện nay việc thực hiện nguồn vốn tại các CTMTQG đang còn nhiều vướng mắc. Mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 111/2024/QH15 quy định cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG, trong đó giao thẩm quyền cho địa phương được chủ động điều chỉnh dự toán NSNN thực hiện Chương trình, nhưng yêu cầu việc điều chỉnh phải đảm bảo cơ cấu chi đầu tư và chi thường xuyên của từng CTMTQG theo dự toán trung ương giao. Với địa phương như Hà Giang, dự toán Trung ương giao nguồn vốn sự nghiệp thực hiện 03 CTMTQG lớn, nhiều nội dung, tiểu dự án không có đối tượng hỗ trợ hoặc không đủ điều kiện giải ngân, nhưng không được điều chỉnh sang nguồn vốn đầu tư, trong khi đó yêu cầu về nguồn vốn đầu tư để đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã, thôn thuộc đối tượng, phạm vi triển khai của các CTMTQG của tỉnh Hà Giang là rất lớn. Đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét, cho chủ trương rà soát tổng thể các CTMTQG; sắp xếp lại chính sách, tránh trùng lặp mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các chương trình để bảo đảm tính đồng bộ, giảm đầu mối, dễ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ thực hiện CTMTQG gia xây dựng nông thôn mới cho tỉnh Hà Giang, bảo đảm đủ nguồn lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Gửi gắm tâm tư, nguyện vọng cử tri Hà Giang đến với nghị trường, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan cho biết: Cử tri Hà Giang mong muốn Chính phủ cho phép tỉnh Hà Giang được hưởng cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, theo đề nghị của UBND tỉnh Hà Giang tại các văn bản số 741/UBND-KTTH về việc đề nghị tháo gỡ khó khăn về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang; văn bản số 2983/UBND-KTTH của UBND tỉnh Hà Giang, về việc cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dụng đường bộ theo các Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, cho phép áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn quy định tại Khoản 2 Điều 78 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đối với các gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra thuộc trường hợp quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu…

https://dbnd.hagiang.gov.vn/SiteFolders/dbndhp/2376/tinddbqh/2024102712.jpg

Đại biểu Phạm Thuý Chinh phát biểu thảo luận.

Liên quan đến tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, đại biểu Phạm Thuý Chinh đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ việc tiếp tục thực hiện cắt giảm 5% dự toán chi thường xuyên, đặc biệt là đối với địa phương không tự cân đối được ngân sách để giảm bớt khó khăn cho các tỉnh nghèo, ngân sách phụ thuộc phần lớn vào ngân sách Trung ương; đánh giá việc triển khai thực hiện cơ chế đặc thù đối với một số tỉnh khi tại kỳ họp này Quốc hội có nội dung đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Cần Thơ; vấn đề công khai minh bạch trong quyên góp ủng hộ phòng chống thiên tai… 

Tham gia ý kiến vào nội dung Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, đại biểu khẳng định đây là việc làm cần thiết nhằm hiện thực hoá các chủ trương của Đảng, Quốc hội về việc nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước (trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính ngân hàng) để làm tốt vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Vương Thị Hương cho biết cử tri tỉnh Hà Giang rất quan tâm và quan ngại về tình hình, diễn biến bất thường của thiên tai. Người dân các tỉnh miền núi thường trực nỗi lo sợ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đe dọa xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu mỗi khi mưa lớn kéo dài. 

https://dbnd.hagiang.gov.vn/SiteFolders/dbndhp/2376/tinddbqh/2024102713.jpg

Đại biểu Vương Thị Hương phát biểu thảo luận.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai vẫn còn tiếp tục diễn biến bất thường, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị, Chính phủ cần phải tiếp tục có những giải pháp toàn diện, quyết liệt hơn nữa để cảnh báo, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai; tiếp tục quan tâm đầu tư, bố trí kinh phí xây dựng các bản đồ nguy cơ sạt lở chi tiết hơn nữa đến tận thôn, bản. Sau khi hoàn thành các bản đồ cảnh báo, cần lắp đặt hệ thống trạm quan trắc cố định tại những điểm có nguy cơ cao. Đồng thời, các trạm quan trắc di động cần được triển khai đến những khu vực có dự báo mưa bão lớn để thu thập dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và phương án ứng phó phù hợp. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực, bố trí kinh phí cho các địa phương thuộc vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở, lũ quét để trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái, phòng chống thiên tai…/.

dbnd.hagiang.gov.vn
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1