No title...
No title...
No title...
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024
Lượt xem: 229
CGTĐT - Sáng ngày 10/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2024, nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2023, bao gồm những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, hội nghị đánh giá tình hình thiên tai trong năm 2024, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác PCTT trong năm. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

Tham dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Hoàng Gia Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh; lãnh đạo một số sở, Ngành, đơn vị là thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, từ sớm, từ xa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia, các Bộ, ngành, lực lượng vũ trang, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và người dân, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Năm 2023 xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận thiên tai (21/22 loại hình), đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng và là năm bất thường khi số lượng bão, ATNĐ ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân; nhiều sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, độc, xạ, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm trước.

Trong năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long (nghiêm trọng nhất tại khu vực Cà Mau); hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước; động đất tại các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nội, Kon Tum; gió mạnh, sóng lớn trên biển,…Từ đầu năm 2024, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai năm qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế kéo dài chưa xử lý dứt điểm và hạn chế mới phát sinh cần sớm được khắc phục, như: Vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai do chủ quan, bất cẩn như đánh cá, vớt củi, di chuyển qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu,... Việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, công trình PCTT nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế. Công tác dự báo, cảnh báo sớm, đối với một số hình thái thiên tai cực đoan như lũ quét, mưa lớn cực đoan, lốc, sét còn hạn chế; thông tin cảnh báo sớm đến người dân ở khu vực xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất trong một số trường hợp còn chưa được kịp thời, đầy đủ. Nguồn lực cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. 

Tại tỉnh Hà Giang, theo số liệu thống kê, trong năm 2023, tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, nhất là tình trạng mưa lớn kéo dài gây ngập úng, lũ cục bộ, sạt lở đất, đá, bờ taluy, sấm sét… ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 đợt thiên tai, mưa lũ làm chết 4 người, bị thương 3 người; gây thiệt hại 881 nhà dân, trong đó cuốn trôi hoàn toàn 9 nhà, 14 nhà phải di rời, di chuyển khẩn cấp 16 nhà, 675 nhà bị hư hỏng phần mái, 167 nhà bị ngập úng, sạt lở đất đá. Bên cạnh đó, thiên tai ảnh hưởng 17 trường học, 1 trạm viễn thông, 3 trụ sở thôn và trạm y tế. Về nông, lâm nghiệp, diện tích lúa bị thiệt hại là 451,9 ha, ngô trên 5 nghìn ha, hoa màu 727,4 ha; diện tích cây lâm nghiệp 52 ha; 833 con vật nuôi bị chết, tổng thiệt hại do thiên tai ước khoảng 99,1 tỷ đồng.

Tình đến thời điểm 8/5/2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 07 đợt thiên tai làm thiệt hại về tài sản của nhà nước và của nhân dân, ước giá thiệt hại hơn 52,6 tỷ đồng.

Theo nhận định tình hình thiên tai và dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7-9/2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Số lượng bão và ATNĐ trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn trên biển Đông; 05-07 cơn đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão; lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và các sông suối nhỏ Bắc Bộ ở mức BĐ2-3; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.

Để phòng, chống, ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề xuất cần tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai thực hiện văn bản pháp luật và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; tổ chức chỉ đạo, chỉ huy điều hành và triển khai hiệu quả công tác ứng phó với các trận thiên tai, sự cố lớn; công tác khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố Ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế ;công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn…

Hồng Minh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1