No title...
No title...
No title...
Du lịch trải nghiệm bắt cá chép trên các thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Lượt xem: 74
CGTĐT – Ngoài nổi tiếng với những cánh đồng ruộng bậc thang vàng óng ả đẹp kỳ vỹ, Hoàng Su Phì – một huyện nằm phía Tây của tỉnh Hà Giang còn có một đặc sản rất thú vị thu hút đông đảo khách du lịch, đó chính là cá chép ruộng. Tận dụng lợi thế đó, những năm gần đây nhiều hộ nông dân ở huyện Hoàng Su Phì đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng tour du lịch gắn với dịch vụ bắt cá chép trên các thửa ruộng bậc thang cùng bà con địa phương. Mô hình này không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn giúp nâng tầm du lịch địa phương.

Do địa hình đồi núi dốc, diện tích mặt nước để nuôi thủy sản rất ít nên người dân đã kết hợp thả cá trong các thửa ruộng bậc thang. Đây là mô hình đã duy trì từ lâu đời của đồng bào dân tộc Hoàng Su Phì. Những năm gần đây, khi ngành du lịch phát triển, mô hình này càng được nhân rộng nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ưu điểm của mô hình này là tăng thêm thu nhập trên một diện tích đất, tận dụng mặt nước và thức ăn sẵn có trên ruộng lúa, cá ăn côn trùng, rong cỏ thực vật và thải phân làm tốt cho lúa.

72c3572d7f0fd951801e.jpg

Cá chép nuôi ruộng tuy không to nhưng thịt cá chắc, thơm.

Toàn huyện Hoàng Su Phì có trên 3.800 ha đất trồng lúa thì có khoảng 70% diện tích ruộng lúa được người dân thả nuôi cá chép ruộng. Mô hình này được duy trì phát triển chủ yếu tại những xã có nguồn nước dồi dào như xã Hồ Thầu, xã Bản Luốc, xã Nậm Ty, xã Nậm Khòa, xã Nam Sơn, xã Tả Sử Choóng... Nuôi cá chép trong ruộng không chỉ giúp người dân cải thiện bữa ăn mà còn giúp tăng thu nhập từ việc bán cá và thu hút khách du lịch đến trải nghiệm bắt cá. Giá bán cá chép ruộng giao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Hình thức xen canh này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân với nguồn thu nhập thêm đạt từ 8-10 triệu đồng/ha/vụ.

Du khách trải nghiệm bắt cá chép ruộng tại Hoàng Su Phì.

Lúa cấy khoảng một tuần người dân sẽ đưa cá vào ruộng để nuôi. Cá nuôi ruộng có thời gian sinh trưởng trong khoảng 3 tháng nên thường không to, chỉ khoảng hai, ba đầu ngón tay. Tuy nhiên cá sống trong môi trường tự nhiên nên thịt chắc, thơm, đem nấu với lá chua, măng chua, thảo quả hay ướp gia vị bản địa địa nướng than đều ngon. Vào mùa lúa chín, cá chép ruộng bậc thang trở thành món đặc sản khó quên cho bất kỳ du khách nào khi đến khám phá du lịch nơi đây.

a3b4386b1049b617ef58.jpg

Món cá chép ruộng nướng than là món ăn không thể thiếu trong thực đơn của du khách khi đến Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín.

Mùa cá chép ruộng của Hoàng Su Phì thoảng qua rất nhanh. Thời gian này đang là chính vụ. Đây là thời điểm thôi thúc những du khách thích tham quan, trải nghiệm khám phá tìm đến Hoàng Su Phì để được hòa mình vào thiên nhiên, tạo dáng chụp ảnh trên những cánh đồng ruộng bậc thang vàng óng, cùng người dân bản địa xuống ruộng bắt cá, cùng chế biến và thưởng thức các món cá chép tươi ngon. Có thể thấy mô hình du lịch kết hợp bắt cá chép ruộng bậc thang đã tạo điểm nhấn và nâng tầm cho sản phẩm du lịch của địa phương. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người nông dân.

Nguyễn Đoan
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1