Bộ Tư pháp trả lời cử tri Hà Giang liên quan đến đăng ký khai sinh
CGTĐT – Bộ Tư pháp có văn bản trả lời cử tri tỉnh Hà Giang về việc đề nghị Bộ có hướng dẫn việc đăng ký khai sinh, quốc tịch cho trẻ em được sinh ra tại Trung Quốc hoặc mang thai ở nước ngoài nhưng mẹ không có đăng ký kết hôn với người nước ngoài, sau đó được mẹ đưa về Việt Nam sinh sống.
Trả lời nội dung này, Bộ Tư pháp cho biết: Pháp luật hộ tịch đã quy định cụ thể về thẩm quyền, đối tượng, thủ tục đăng ký hộ tịch. Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang (như Công văn số 958/HTQTCT-HT ngày 18/7/2023 và Công văn số 1499/HTQTCT-HT ngày 18/12/2024) và trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn trong quá trình làm việc tại tỉnh Hà Giang theo hướng trong mọi trường hợp đều bảo đảm quyền được đăng ký khai sinh của trẻ em (trừ trường hợp trẻ em có hộ chiếu/quốc tịch nước ngoài).
Đối với kiến nghị thứ 2 về việc đề nghị Bộ sớm tháo gỡ cho địa phương việc huỷ đăng ký hộ tịch. Vì hiện nay việc đăng ký hộ tịch được thực hiện thao tác trên phần mềm dùng chung của Bộ Tư pháp, tuy nhiên khi bị lỗi cần sửa lại thì ở cấp cơ sở phải đề nghị Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực huỷ trên hệ thống trong phần mềm dùng chung của Bộ Tư pháp, đồng thời phần mềm đó liên thông với Bộ Công an liên quan đến vấn đề về số định danh cá nhân. Do vậy dẫn đến việc chậm được tháo gỡ cho các địa phương (Ví dụ ở huyện Đồng Văn có 09 trường hợp đề nghị từ năm 2022, 2023 nhưng chưa có phản hồi, hồ sơ vẫn bị treo). Do đó đã ảnh hưởng đến người dân khi đăng ký lại khai sinh trong những trường hợp này.
Trả lời cử tri, Bộ Tư pháp cho biết: Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 04/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về việc điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử như sau: “1. Thông tin hộ tịch của cá nhân đã được đăng ký, lưu chính thức trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thuộc bản ghi dữ liệu hộ tịch điện tử của cá nhân chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:
Cá nhân được cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc; ghi vào số hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp phát hiện thông tin của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử có sai lệch với hồ sơ đăng ký hộ tịch, thì cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cấp trên thông qua chức năng tiện ích trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung và chỉ được điều chỉnh khi cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cấp trên cho phép.
Việc quy định cụ thể các trường hợp được điều chỉnh và yêu cầu cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cấp trên cho phép nhằm bảo đảm tính chính xác của dữ liệu, tránh tình trạng tùy tiện trong điều chỉnh thông tin hộ tịch. Đồng thời, quy định này cũng đặt ra yêu cầu đối với công chức làm công tác hộ tịch phải cẩn trọng trong quá trình thực hiện nghiệp vụ để hạn chế sai sót.
Ngoài ra, theo Khoản 7 Điều 11 Nghị định số 70/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ, các trường hợp hủy, xác lập lại số định danh cá nhân được quy định như sau: “a) Được xác định lại giới tính, cải chính hộ tịch do có sai sót về năm sinh theo quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch và pháp luật khác có liên quan;
Có sai sót về thông tin nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân khi thu thập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Cơ quan quản lý căn cước phát hiện, xử lý đối với hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả, cung cấp thông tin, tài liệu giả để được thu thập, cập nhật thông tin dân cư, cấp chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước;
Cơ quan đăng ký hộ tịch thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh cấp trái quy định của pháp luật”.
Liên quan đến 09 trường hợp tại huyện Đồng Văn mà cử tri phản ánh, Bộ Tư pháp đã kiểm tra trên phần mềm và không thấy dữ liệu có liên quan, do đó, đề nghị cử tri cung cấp danh sách cụ thể để Bộ Tư pháp kiểm tra và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời.
Bộ Tư pháp xin ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ xem xét trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật theo hướng phân cấp thẩm quyền điều chỉnh dữ liệu sai sót, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho địa phương trong công tác đăng ký hộ tịch.