Máy móc nông nghiệp do Việt Nam sản xuất được bán tại
cửa hàng của chị Đặng Thị Hương, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên).
Đến xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) chúng tôi thấy nhiều cửa
hàng tạp hóa ngay giáp khu vực biên giới bán các sản phẩm hàng hóa được sản xuất
ở Việt Nam với tem, mác, ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng được ghi đầy đủ
thông tin dễ nhìn. Nhiều mặt hàng từ quần, áo mang thương hiệu Việt Tiến, Cường
Thuận; giầy dép Bitis; mỹ phẩm Sắc Ngọc Khang; đồ ăn Việt Hưng; xoong, nồi Hà
Phong; kem đánh răng, dầu gội đầu Thái Dương; xà phòng Aba; máy nông nghiệp Việt
Trung; quạt treo tường, quạt cây Vinawind; dây điện Trần Phú; máy bơm nước Tiến
Phát… với giá cả phù hợp. Chị Đặng Thị Hương, thôn Giang Nam kinh doanh các loại
mặt hàng đồ gia dụng, máy móc nông nghiệp, đồ ăn, quần áo do Việt Nam sản xuất,
chia sẻ: Mặc dù, là địa phương tiếp giáp ngay với Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy,
nhiều mặt hàng xuất xứ từ nước bạn Trung Quốc, với nhiều kiểu dáng bắt mắt, giá
cũng khá rẻ; nhưng thường không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng, nhãn phụ tiếng
Việt ghi thành phần nên người dân khu vực biên giới thường tẩy chay không sử dụng.
Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu mua và sử dụng hàng hóa do Việt Nam sản xuất
ngày càng được đồng bào vùng biên giới tin tưởng, lựa chọn mua nhiều. Do vậy,
theo xu hướng thị trường, các cửa hàng tạp hóa địa phương đã lựa chọn những mặt
hàng từ máy móc nông nghiệp, dụng cụ lao động, đồ sinh hoạt cá nhân, đồ ăn từ
các thương hiệu trong nước sản xuất bày bán, phục vụ cho nhu cầu của người dân
biên giới.
Du khách tìm mua các sản phẩm do Việt Nam sản xuất khi
tham quan thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn.
Tại thị trấn Đồng Văn, Phó Bảng (Đồng Văn) đa số là đồng
bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: Mông, Lô Lô, Cờ Lao… Nơi đây, đang trở thành
những khu trung tâm buôn bán sầm uất nhất khu vực biên giới. Cô Vàng Thị Máy,
thôn Phiến Ngài, thị trấn Phó Bảng tâm sự: Đường giao thông khá thuận lợi, nhiều
thương lái chở các loại hàng hóa do Việt Nam sản xuất đến bán ở trong thôn,
giúp người dân mua hàng thuận tiện. Người dân vùng biên chúng tôi đã nhiều năm
nay chỉ tin dùng hàng trong nước sản xuất, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ
ràng, uy tín, chất lượng cao, giá cũng phải chăng, hay có nhiều chương trình
khuyến mại và tặng kèm các sản phẩm. Giờ hàng hóa giả mạo nhiều thương hiệu của
nước ngoài, ăn theo nhãn hiệu nổi tiếng, mà giá thành cao. Tôi thường xuyên
khuyên bà con trong thôn không sử dụng hàng lậu, hàng nhái, không rõ thành phần,
xuất xứ.
Với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, phiên chợ
hàng Việt về vùng biên giới đã giúp họ quảng bá, giới thiệu và tiếp cận thị trường
và đây cũng là cơ hội nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, sức mua của người dân khu vực
biên giới. Đại diện Công ty TNHH 1 thành viên Cường Thuận, thôn Vĩnh Sơn, xã
Vĩnh Hảo (Bắc Quang) cho biết: Với phương châm “Khách hàng đến thăm quan sản phẩm
là niềm hạnh phúc”, vì vậy công ty luôn cố gắng phục vụ, mang đến cho khách
hàng các sản phẩm quần áo đa dạng với giá thành phải chăng; Công ty cũng đầu tư
nhà xưởng quy mô trên 1.000 m², máy móc hiện đại, nhà lưu trú, bếp ăn tập thế,
với gần 200 công nhân, đã tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương đến
từ các vùng biên giới khó khăn trong tỉnh, với thu nhập ổn định mỗi người từ 5
– 7 triệu đồng/tháng.
Để người dân vùng biên giới được tiếp cận nhiều hơn
các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, thiết nghĩ chính quyền, các hội,
đoàn thể của địa phương, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa
và lợi ích của việc sử dụng hàng Việt đến đồng bào DTTS. Các ngành, lực lượng
chức năng làm tốt công tác phòng, chống kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém
chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh
nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam giới thiệu các sản phẩm trong nước tốt,
uy tín, giá thành phải chăng, tạo đà kích cầu thương mại dịch vụ, du lịch vùng
biên.