No title...
No title...
No title...
Bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 của tỉnh có nhiều khởi sắc
Lượt xem: 45
CGTĐT - Vượt qua những ảnh hưởng nặng nề của nhiều đợt lũ lụt và cơn bão số 3, trong 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,97% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng 32% so với cùng kỳ; Sản xuất nông nghiệp ổn định và đảm bảo thời vụ, đa số chỉ tiêu sản xuất đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước. So sánh với 14 tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc, tỉnh Hà Giang xếp thứ 11/14 tỉnh trong khu vực.

Năm 2024, tỉnh Hà Giang thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài những khó khăn, bất lợi chung của tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Trên địa bàn tỉnh, riêng 9 tháng đầu năm 2024, đã xảy ra 21 đợt thiên tai, đặc biệt hoàn lưu của cơn bão số 3 với các đợt mưa lớn gây lũ quét, sạt lở, làm thiệt hại lớn đến kết cấu hạ tầng, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã lãnh, chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiều giải pháp để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, triển khai các chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế, đồng thời gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của các thành phần kinh tế, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Để thúc đẩy hoạt động của các thành phần kinh tế, tạo động lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực, với sự vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành đẩy mạnh triển khai linh hoạt, đồng bộ, sát sao nhiều nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND tỉnh tổ chức 09 phiên họp thường kỳ hàng tháng; ban hành 41 văn bản quy phạm pháp luật, 1233 quyết định, 253 kế hoạch và trên 5.700 văn bản chỉ đạo, điều hành khác để giải quyết các vấn đề cụ thể theo thẩm quyền và thực hiện các chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ và Kịch bản số 54/KH-UBND ngày 06/02/2024 của UBND tỉnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành đã chủ động tích cực vào cuộc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

ktxh1.png

Trong 9 tháng đầu năm năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội có dấu hiệu phục hồi, đạt được nhiều khởi sắc. Trong 36 chỉ tiêu kế hoạch giao, có 07 chỉ tiêu đạt và vượt 100%; 09 chỉ tiêu đạt từ 70% đến dưới 100%; 01 chỉ tiêu đạt từ 50% đến dưới 70%. Điều này khẳng định sự nỗ lực lớn của các cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành; sự đoàn kết, nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Một số kết quả nổi bật 9 tháng đầu năm tạo động lực phát triển kinh tế 3 tháng cuối năm

Trong 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,4%; Trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,7%; Công nghiệp - xây dựng tăng 6,8% (ngành công nghiệp tăng 6,4%; ngành xây dựng tăng 7,4%); Dịch vụ tăng 7,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,0%.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng 2024 (so với cùng kỳ).png

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng 2024 tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 10.907,4 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 76,8% kế hoạch. Trong đó: Vốn nhà nước thực hiện đạt 4.676,9 tỷ đồng, chiếm 42,9% tổng vốn đầu tư; vốn đầu tư ngoài nhà nước 6.230,4 tỷ đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.755 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch Trung tương giao và 71,3% kế hoạch tỉnh giao, tăng 32% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng ước đến 30/9/2024 đạt 30.039 tỷ đồng, tăng 1.589 tỷ đồng so với cùng kỳ (tỷ lệ tăng 5,6%). 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 14.180,72 tỷ đồng, tăng 17,38% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 10,72% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành ước đạt 6.794 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ, đạt 73,2% so với kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 244,946 triệu USD, tăng 2,82% so với cùng kỳ.

doanh thu dich vu.png

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác các quý năm 2024.

Giá trị sản xuất nhóm ngành dịch vụ theo giá hiện hành 9 tháng năm 2024 ước tính 16.031/16.308,1 tỷ đồng, đạt 98,3% so với kịch bản tăng trưởng. Du lịch tăng trưởng mạnh, lượng khách du lịch 9 tháng đạt 2.468.000 lượt người, tăng 114,3% so với cùng kỳ, đạt 77,1% kế hoạch. Doanh thu du lịch đạt 6.120 tỷ đồng. Tỉnh Hà Giang được tổ chức World Travel Awards vinh danh là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023” và “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”. 

Nhận diện những khó khăn thách thức cho quý IV/2024

Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, đây được coi là chặng đường nước rút để các địa phương tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, nhiệm vụ đã đề ra.

Dự báo triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 3 tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, như: Quy mô, năng lực hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn còn thấp; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; năng lực tài chính của các nhà đầu tư suy giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn,... Tình trạng khan hiếm, tăng giá nguyên vật liệu ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án, thu hút đầu tư; thời tiết, khí hậu tiếp tục diễn biến khó lường, bão số 3 và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm của nhiều địa phương, trong đó có Hà Giang và cả nước dự báo chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực. Từ những quyết sách của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh tế, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. 

Nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024

Để phấn đấu đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 là 7,5%, theo đó, tốc độ tăng trưởng Quý IV năm 2024 phải đạt 9,9%; trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,3%; Công nghiệp - xây dựng tăng 12,8%; khu vực dịch vụ tăng 15,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,0% và hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2024. 

Để có 06/19 chỉ tiêu hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phải bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả; các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý phù hợp tình hình địa phương. 

Song song với phát triển kinh tế cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư công, sớm hoàn thành, đưa vào khai thác các công trình, dự án trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiên phong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, khắc phục hạn chế về vốn, nhân lực, khoa học kỹ thuật, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Tập trung triển khai tích cực 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế trong 3 tháng cuối năm. Bên cạnh đó đồng thời thực hiện các giải pháp phục hồi sản xuất công nghiệp; nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với các mục tiêu chung của tỉnh, các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trong điều hành, quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; tích cực quảng bá, thu hút đầu tư, phát triển du lịch; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh; triển khai rà soát mức độ thiệt hại về cơ sở hạ tầng và kịp thời có giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai; cụ thể hoá các Luật, văn bản hướng dẫn thi hành Luật đối với các Luật mới ban hành, nhất là Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản; làm tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giữa doanh nghiệp với chính quyền - người dân - nhà khoa học. Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Những kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2024 là điều đáng mừng của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây sẽ là cơ sở, là động lực để tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên các mục tiêu, nhiệm vụ trong các tháng còn lại của năm 2024 là hết sức nặng nề; những khó khăn, thách thức hiện hữu còn tiếp tục kéo dài, dự báo sẽ phát sinh thêm nhiều thách thức mới đòi hỏi sự tập trung, sát sao, quyết liệt hơn nữa. Với những giải pháp cụ thể đã định, mong rằng Hà Giang sẽ chuyển mình, biến khó khăn thành động lực để phát triển, sớm về đích các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nguyễn Đoan
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1