No title...
No title...
No title...
Quyết tâm biến vùng đá xám thành “Đá nở hoa”
Lượt xem: 349
CGTĐT - Hà Giang - cái tên được giới đam mê du lịch nhắc đến và tìm kiếm nhiều nhất trong những năm gần đây như phần nào nói lên tất cả. Một nơi có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, nơi mà tưởng chừng như giơ tay là có thể chạm được vào mây và trời, nơi chỉ thấy bốn bề đá và đá, nơi mà đồng bào dân tộc “sống trên đá, chết vùi dưới đá” ấy lại có sức sống mãnh liệt, bền bỉ, kiên cường đang từng ngày vươn lên thoát nghèo từ phát triển du lịch bền vững.

Đi đến khắp các huyện của tỉnh Hà Giang, bạn sẽ bắt gặp cảnh đồng bào sinh sống trên khắp các sườn đồi, núi đá. Những ngôi nhà trình tường men trên sườn núi của người Mông, hay những ngôi nhà sàn lợp lá cọ phủ đầy rêu xanh của người Tày, người Giao. Tất cả đều toát lên một vẻ đẹp hoang dã mà bất cứ ai đến cũng phải trầm trồ, thích thú. Không phải tự nhiên mà tổ chức World Travel Awards vinh danh tỉnh Hà Giang là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023” và “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”. Đó chính là kết quả của việc ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân trong tỉnh.

460979527_8990027387678333_2146455244330985865_n.jpg

Du lịch mùa lúa chín tại huyện Hoàng Su Phì.

Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Sự khó khăn khắc nghiệt của địa hình đã tạo cho đồng bào Hà Giang những nét đặc trưng riêng trong sinh hoạt, rèn cho con người bản tính cần kiệm, tự cường vượt khó đi lên, bám trụ để giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Do đặc điểm đó, Hà Giang không có những những nhà máy, không có những khu công nghiệp lớn như các tỉnh dưới xuôi. Nhưng bù lại Hà Giang được thiên nhiên ban tặng một cảnh quan hùng vỹ, một dòng sông Nho Quế uốn lượn xanh biếc mà bất cứ ai đến Hà Giang cũng muốn được một lần trải nghiệm đi thuyền ngắm dòng sông.

Nhận thức sâu sắc những giá trị tốt đẹp đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang luôn nỗ lực để phát huy những lợi thế, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để phát triển. Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất là đối với tỉnh Hà Giang có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của quốc gia. Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2025 đã chỉ rõ mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Sau gần hết nhiệm kỳ thực hiện, Nghị quyết 11 đã gần cán đích. Đến nay, lượng khách du lịch đến với Hà Giang ngày càng khởi sắc, tăng về số lượng; chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt 2.468.000 lượt người, tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 77,1% kế hoạch. Doanh thu du lịch đạt 6.120 tỷ đồng.

461268476_2607375522806859_264899519341650367_n.jpg

Du khách nước ngoài thích thú chụp ảnh với ruộng lúa chín vàng.(Ảnh: Triệu Quyên)

Để xây dựng du lịch Hà Giang có tính cạnh tranh, chuyên nghiệp, tỉnh đã thực hiện phát triển du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, khai thác văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Hà Giang thành sản phẩm du lịch độc đáo gắn với du lịch cộng đồng đảm bảo phát triển bền vững. Các cấp, các ngành đã chủ động triển khai, quyết liệt và vận dụng sáng tạo, linh hoạt, có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch chuyên đề về phát triển du lịch phù hợp với từng giai đoạn để triển khai thực hiện. Cùng với đó triển khai thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Hà Giang tới cán bộ, công chức, viên chức, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, 100% các đơn vị trường học và nhân dân trên địa bàn tỉnh; đưa nội dung phát triển du lịch, giữ gìn văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các trường học với mục đích nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong việc thực hiện, từ đó khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh.

Sản phẩm thịt bò Vàng khô miếng hay còn gọi là bò H’Mông của Hà Giang bán ra thị trường có nguồn gốc tem mác truy xuất rõ ràng.

Từ những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ, Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Hà Giang đã và đang vận dụng triển khai một cách sáng tạo, linh hoạt để phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản. Đây cũng là một trong những hướng đi thu hút sự quan tâm của đa số khách du lịch hiện nay. Đến nay, ngày càng có nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên vùng cao nguyên đá. Một loạt các sản phẩm được gắn tem logo OCOP lên bao bì sản phẩm, như: Sản phẩm mật ong Bạc hà của Công ty TNHH Trường Anh; sản phẩm mật ong Bạc hà của HTX Pó Mỷ; mật ong Bạc hà của HTX Hà An -Thành Ma Tủng; mật ong Bạc hà của HTX Thành Đô; Túi xách và Vỏ gối vuông của HTX Sà Phìn A; sản phẩm bánh giòn, bánh dẻo, bánh kem quế của HTX Bắc Nam; Rượu ngô Men lá Thiên Hương của HTX Rượu Thiên Hương; Bánh đá của cơ sở Phùng Đức Bắc; Ớt gió ngâm dấm Nho Quế của HTX Thành Công; gắn logo lên biển hiệu sản phẩm Làng du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải - Lũng Cú... Một số sản phẩm OCOP đặc thù của Hà Giang hấp dẫn đối với khách du lịch và người tiêu dùng phải kể đến như: Mật ong bạc hà tại 4 huyện cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ; cam sành tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; thịt Bò khô huyện Đồng Văn, Chè Shan tuyết và Shan tuyết cổ thụ tại các huyện vùng cao; các sản phẩm cây dược liệu, Lợn đen Lũng Pù huyện Mèo Vạc, Hồng không hạt Quản Bạ, Gà xương đen tại 4 huyện cao nguyên đá, gạo Khẩu Mang huyện Đồng Văn... Thời gian qua UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác quảng bá đối với các sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm OCOP đặc thù. Bên cạnh đó, để phát triển và tiêu thụ ổn định sản phẩm, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND 11 huyện, thành phố đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình sản xuất và chế biến các sản phẩm OCOP, nhờ đó các sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ ổn định tại thị trường trong và ngoài tỉnh, trở thành điểm tựa vững chắc để phát triển du lịch.

460972569_122114471096414382_728093372087969208_n.jpg

Khu nghỉ dưỡng cao cấp An Châng Retreat & Spa mới xây dựng tọa lạc trên một triền đồi của thôn Châng, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang được ôm trọn bởi những cánh rừng nguyên sinh và dòng suối Châng rì rào thác đổ tưới mát.

Cùng với tiềm năng phát triển sẵn có, tỉnh thực hiện tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương. Các lễ hội truyền thống được thường xuyên tổ chức để thu hút khách du lịch. Hiện các loại hình sản phẩm du lịch đã được đầu tư, phát triển rất tốt như: Sản phẩm du lịch cộng đồng; sản phẩm du lịch văn hóa; sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm và sản phẩm du lịch thương mại, biên giới. Các sản phẩm du lịch đều phát huy hiệu quả, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm. Bình quân thu nhập của một mô hình trên trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng mỗi năm. Đó chính là kết quả của những quyết sách đúng đắn, dám nghĩ, dám làm của toàn Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang, tất cả vì mục tiêu giảm nghèo bền vững cho vùng biên cương.

Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, cán bộ, đảng viên phải có ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu phải đem hết tinh thần trách nhiệm để thực hiện, làm đến nơi đến chốn để đạt kết quả tốt nhất. Đến nay, sau gần một nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, những mục tiêu trên không còn là điều khó thực hiện. Đó cũng chính là những tín hiệu lạc quan trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, để ngành Du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, căn cứ tình hình thực tế về tiềm năng, lợi thế, tính khả thi và yêu cầu thị trường, mỗi địa phương trong tỉnh vẫn cần tiếp tục ưu tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh sự dàn trải nhằm bảo tồn văn hóa, kiến trúc truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và các vùng dân tộc thiểu số ít người sinh sống trên địa bàn.

Nguyễn Đoan
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1