Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang
CGTĐT - Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang, hiện đang được đẩy mạnh triển khai nhằm đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đây là công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc kết nối khu vực Đông Bắc với các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời thúc đẩy phát triển KT-XH cho hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang (Dự án do Ban quản lý dự án ĐTXD công trình tỉnh Hà Giang làm Chủ đầu tư).

Nhiều thiết bị máy móc và nhân công thi công dự án đoạn qua địa phận thôn Kiềm (xã Quang Minh).
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh là 4.850 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.654 tỷ đồng (gồm 1.154 tỷ từ Chương trình phục hồi KT-XH và 1.500 tỷ từ nguồn tăng thu năm 2023), còn lại 2.196 tỷ đồng là vốn địa phương. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc cấp 80, tốc độ 80km/h, quy mô 4 làn xe, xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị đầu tư đang gặp không ít khó khăn do thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài. Theo Ban Quản lý dự án, việc hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh, thẩm định và đấu thầu có thể khiến thời điểm khởi công bị lùi đến tháng 8/2025. Trước áp lực này, Ban quản lý dự đã làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ theo Quyết định số 490/QĐ-TTg, kiến nghị áp dụng cơ chế chỉ định thầu theo Nghị định 17/2025/NĐ-CP nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị, đảm bảo tiến độ toàn dự án.
Hiện nay, 3 gói thầu xây lắp chính của dự án đoạn qua tỉnh Hà Giang đang được triển khai thi công khẩn trương với khối lượng công việc lớn, nhiều hạng mục đã đạt tiến độ khả quan.

Đơn vị thi công “xẻ núi, bạt đồi” thực hiện dự án đoạn qua địa phận thôn Quang Tiến (xã Quang Minh).
Tại gói thầu số 03-XL (Km0+00 - Km12+500), do Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam thực hiện, khởi công từ ngày 20/6/2023. Tại hiện trường, đơn vị thi công đã huy động 114 thiết bị máy móc và 150 nhân sự làm việc thường xuyên. Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị sản lượng thực hiện đạt 483,5/812 tỷ đồng, tương đương 59,4% giá trị hợp đồng. Một số hạng mục đã hoàn thành bao gồm toàn bộ hệ thống cống hộp, cống tròn, 12/13 hầm chui dân sinh; phần cầu đã đạt 77% khối lượng, và nền đường đào đắp đạt 74%.
Gói thầu số 04-XL (Km12+500 - Km19+120), do liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn TAG và Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng 168 Việt Nam thực hiện. Hiện tại, đơn vị đã huy động 115 thiết bị và 155 nhân sự làm việc. Giá trị sản lượng đã thực hiện đạt 411,3/764 tỷ đồng (tương đương 53,8%). Hạng mục hầm chui dân sinh đã hoàn thành 6/8 hầm; cống hộp, cống tròn hoàn thành toàn bộ; thi công cầu đạt 63% và đào đắp nền đường đạt 77%.
Gói thầu số 05-XL (Km19+120 - Km27+480) - Đây là gói thầu có quy mô thi công lớn nhất trong 3 gói, do liên danh Công ty Cổ phần Taco Trường Sơn, Công ty Cổ phần Xây dựng Đồng Tiến và Công ty TNHH Phúc Thành An thi công. Tại công trường, 118 thiết bị cùng 271 nhân sự đã được huy động, thể hiện tinh thần thi công quyết liệt. Đến thời điểm hiện tại, giá trị sản lượng đạt 351,6/740 tỷ đồng (47,1%). Các hạng mục đã hoàn thành gồm 4/6 hầm chui dân sinh, hệ thống cống hộp, cống tròn; thi công cầu đạt 60% và nền đường đào đắp đạt 69%.

Cầu Tân Quang (mố M1 thuộc thôn Tân Tiến); (mố M2 thuộc thôn Mục Lạn), xã Tân Quang cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Trên cả 3 các gói thầu, việc thi công đang được đẩy nhanh tiến độ cho quyết tâm của các nhà thầu và chủ đầu tư trong việc đưa dự án cán đích đúng kế hoạch. Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị thi công, chủ đầu tư, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương.
Đồng chí Lương Văn Đoàn, Giám đốc Ban quản lý dự án ĐTXD công trình cho biết: Ban quản lý đánh giá cao sự nỗ lực nỗ lực của các nhà thầu trong thời gian qua, đặc biệt là việc huy động thiết bị, nhân lực để thi công liên tục trên công trường. Tuy nhiên, với tính chất là dự án trọng điểm quốc gia, yêu cầu tiến độ rất cao, Ban Quản lý xác định rõ vai trò và trách nhiệm trong việc tiếp tục đôn đốc, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thi công. Trong thời gian tới, Ban quản lý tiếp tục yêu cầu các nhà thầu tăng cường huy động máy móc, thiết bị và nhân lực, đặc biệt tại các hạng mục then chốt như cầu, nền đường, hầm chui dân sinh. Việc kiểm tra, đánh giá tiến độ sẽ được thực hiện thường xuyên thông qua các cuộc họp giao ban, kiểm tra hiện trường định kỳ. Những đơn vị thi công chậm sẽ bị nhắc nhở và xử lý theo hợp đồng; ngược lại, những đơn vị làm tốt sẽ được hỗ trợ kịp thời. Ban quả lý cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xử lý nhanh các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời chú trọng tăng cường kỷ luật trong điều hành và chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn hoàn chỉnh, trong đó có kiến nghị Chính phủ cho phép chỉ định thầu theo quy định mới, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Mục tiêu chung là đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và hiệu quả, để dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Với quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương và tinh thần làm việc trách nhiệm, chuyên nghiệp từ các đơn vị thi công, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hứa hẹn sẽ trở thành một trong những công trình tiêu biểu của vùng Đông Bắc. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc không chỉ góp phần rút ngắn thời gian di chuyển, nâng cao năng lực vận tải, mà còn là "đòn bẩy" thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân trong khu vực.