Về Hoàng Su Phì mê đắm nghề chạm khắc bạc truyền thống của người Nùng
Đồng bào Nùng quan niệm, bạc là biểu tượng của sự may mắn, bình an. Bao đời nay, nghề chạm khắc bạc truyền thống đã trở thành niềm tự hào, nét văn hóa đặc trưng của người Nùng.
Một tấm phù điêu hoa văn đeo trước ngực của phụ nữ Nùng ở Hoàng Su Phì.
Ở huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) không thiếu người chạm bạc, tuy nhiên những nghệ nhân biết chế tác các hoa văn cổ trên bạc thì chỉ còn lác đác. Trong đời sống của đồng bào Nùng, bạc được coi là biểu tượng của sự may mắn, bình an. Nghề chạm khắc bạc truyền thống đã trở thành niềm tự hào, nét văn hóa đặc trưng của người Nùng.
Ngày 27/8/2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề chạm bạc của người Nùng tại 2 xã Pờ Ly Ngài, Nàng Đôn (Hoàng Su Phì) được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nghề lưu giữ hồn cốt của người Nùng
Trong quan niệm của người Nùng, nhà giàu không phải là có nhiều trâu bò, ruộng vườn…mà là có nhiều bạc. Ông Cháng Thanh Tờ, là một trong những nghệ nhân chạm bạc truyền thống hiếm hoi tại xã Pờ Ly Ngài, huyện Hoàng Su Phì. Ông Tờ học nghề chạm bạc từ cha của mình, khi còn sống cha ông thường nói với con trai mình rằng: “Trang sức bạc là hồn cốt, là tập tục, nếu không đeo bạc, người Nùng không biết nguồn cội, không biết tổ tiên”.
Quả đúng như vậy, các sản phẩm được chế tác từ bạc luôn có mặt trong những nét văn hóa độc đáo, quan trọng của người Nùng. Điển hình như trong lễ dạm ngõ, ăn hỏi của người Nùng, hai bên gia đình sẽ bàn bạc về lễ vật bắt buộc nhà trai phải mang sang nhà gái trong ngày cưới. Lễ vật bắt buộc phải có là: 1 đôi gà, 1 con lợn từ 35 kg trở lên, 15 chai rượu, 15 ống gạo nếp và kèm theo 12 cái bánh dày.
Trang phục phụ nữ Nùng được tôn thêm vẻ đẹp nhờ trang sức bạc.
Ngoài ra, còn phải có đồ trang sức cho cô dâu, gồm dây xà tích, đôi vòng tay, 1 lạng hạt cườm bằng bạc, 14 cúc áo bằng bạc. Đó chính là những trang sức, vật dụng để cô dâu ở nhà may quần áo cưới cho mình. Bởi theo quan niệm của người Nùng, bạc mang lại bình an và may mắn, nên đồ trang sức này gắn với họ từ lâu đời. Những bộ trang sức đẹp và cầu kỳ nhất luôn là lễ vật trong đám cưới của người Nùng, đó là món sính lễ quan trọng để nhà trai thể hiện sự sung túc với nhà gái.
Không chỉ xuất hiện trong những dịp quan trọng của người Nùng, trang sức bạc xuất hiện nhiều nhất trong đời sống hàng ngày, khi là một món đồ không thể thiếu với những cô gái, chàng trai Nùng. Tại Hoàng Su Phì, để nhận ra người Nùng không khó bởi họ luôn mặc trang phục màu chàm nhuộm trên chất liệu vải bông và mang theo những bộ trang phục bằng bạc hết sức tinh xảo.
Chiếc áo của nữ giới được may kiểu tay bó, thân ngắn. Nổi bật hàng cúc bạc có tới 15 – 20 chiếc. Trên mỗi cúc bạc lại đính thêm 6 xúc xích bạc, tôn thêm vẻ đẹp cho người con gái Nùng. Cổ áo đứng, may vuông, có thêu hoa văn bằng kim tuyến, chỉ màu và trang trí những hạt bạc nhỏ hình quả núi, mép cổ áo có khóa bạc hình mặt trời.
Chiếc váy xòe rộng gót chân, tôn thêm phần ý nhị của người con gái. Nơi cạp váy có trang trí bằng vải màu xanh, đỏ. Đứng ở nơi xa, bạn cũng có thể nhận ra dáng vẻ tần tảo của người phụ nữ Nùng giữa buổi chợ đông.
Trang phục phụ nữ Nùng được tôn thêm vẻ đẹp nhờ trang sức bạc.
Phụ nữ Nùng ở Hoàng Su Phì quấn khăn tròn quanh đầu. Chiếc khăn trong điểm thêm những hạt bạc li ti hình quả núi. Chiếc khăn ngoài có hoa văn hình xương cá thêu điểm ở hai đầu. Trên đỉnh đầu tóc cài trâm bạc.
Nếu có dịp tiếp xúc với phụ nữ Nùng, du khách sẽ vô cùng ấn tượng bởi những bộ trang sức bạc với những chiếc vòng cổ, những dây xà tích hình con chim, con cá, con cua... nhỏ xinh treo trước ngực. Những chiếc vòng tay bạc sáng choang. Sắc trắng của những bộ xà tích, kiềng, dây chuyền… khiến bộ váy truyền thống màu chàm trở nên bắt mắt, sang trọng và đẹp hơn rất nhiều.
Những bộ trang sức bạc truyền thống cũng là món quà hồi môn mà cô dâu nào khi bước về nhà chồng cũng được mẹ chồng tặng cho một bộ. Đó là lời răn của nhà chồng dành cho nàng dâu mới, là câu chuyện về lịch sử giữ đất, giữ làng mà con cháu người Nùng không được quên.
Theo những người già, xưa kia, người Nùng rất giàu mạnh, cuộc sống no đủ và hạnh phúc. Bỗng một hôm giặc Hán mang quân cướp bóc. Trai tráng người Nùng tập hợp cùng nhau chống lại.
Quân giặc tàn ác, chúng bắt bớ phụ nữ lấy cối đá đeo vào lưng, lấy kim bạc cắm vào đầu, lại lấy những sợi dây xích bằng sắt buộc vào cổ, lấy vòng sắt đeo vào cổ tay sau đó bắt họ phải làm những công việc nặng nhọc để hành hạ, nhằm khiến trai tráng người Nùng quy hàng. Nhưng họ không khuất phục.
Phụ nữ Nùng vẫn thủy chung chờ chồng đến cứu. Vua Hán nể phục, bèn sai quân lính tháo những chiếc cối đá, những vòng xích sắt thay bằng những sợi dây xà tích, những chiếc vòng tay, chiếc nhẫn nhỏ hơn đeo cho người phụ nữ. Đồng thời rút quân, chấm dứt chiến tranh với người Nùng.
Ông Cháng Thanh Tờ và vợ đang cùng chế tác một sản phẩm trang sức bạc.
Hoà bình trở lại, phụ nữ Nùng được sum họp với gia đình. Để con cháu đời sau nhớ đến tháng ngày gian nan vất vả, phụ nữ Nùng đã mặc chiếc váy có cạp to phía sau, đeo những bộ trang sức bạc chạm khắc hình chiếc cối, sợi xích, hòn đá…và đeo cho đến ngày nay. Đó chính là lý do mà trang sức bạc được người Nùng vô cùng coi trọng bởi nó mang cả những câu chuyện về lịch sử, nguồn cội của một dân tộc.
Nghề tinh xảo
Ông Cháng Thanh Tờ cũng như đa số người Nùng đều không biết nghề chạm khắc bạc của dân tộc mình bắt nguồn như thế nào, họ chỉ biết đây là nghề cha truyền con nối. Ngay từ khi còn nhỏ, nhiều đứa trẻ ở 2 xã Pờ Ly Ngài, Nàng Đôn đã quen với cái nóng của lửa than làm nung chảy bạc, quen với tiếng búa, tiếng gõ của cha ông.
Ông Cháng Thanh Tờ cũng không nhớ rõ mình đã bén duyên với nghề truyền thống của gia đình từ khi nào. Chỉ biết, năm lên 20 tuổi, ông đã có thể chế tác thành thạo các trang sức bạc truyền thống của người Nùng.
Cũng nhờ lời trăn trối của người cha mà ông Tờ đã giữ được động lực và nhiệt huyết với cái nghề đòi hỏi sự tinh xảo, tỉ mẩn của đồng bào mình. Nghệ nhân Cháng Thanh Tờ đã cần mẫn 2/3 cuộc đời làm nên những bộ trang sức tinh xảo chứa đựng lớp lang văn hóa của người Nùng ở dãy núi Tây Côn Lĩnh.
Một chiếc vòng cổ tinh sảo của người Nùng.
Để tạo ra những món đồ trang sức chất lượng cao, người nghệ nhân phải tìm kiếm, sử dụng nguyên liệu là bạc hoa xòe và bạc miếng. Từ những dụng cụ thủ công như: kéo cắt, kìm vặn, búa đập, đế gỗ, nồi đun, cân tiểu ly, cùng với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, những nghệ nhân đã chế tác ra nhẫn, vòng tay, xà tích, trâm cài đầu, cúc bạc với những họa tiết, hoa văn tinh xảo, gần gũi với cuộc sống con người.
Trước khi bắt đầu chế tác, ông Tờ thường cân bạc trên chiếc cân ly tự chế để định lượng giá trị. Sau đó, ông sẽ dùng khò để làm nung chảy bạc. Bạc được ông Tờ dát mỏng như tờ giấy để chế tác trang sức. Để tạo hình sản phẩm bạc, ông Tờ dùng nhựa thông trộn với da trâu đã đốt cháy tạo thành một hỗn hợp rất mềm khi nóng và cứng như đá khi nguội. Những hình con cá, chim, cua... bằng bạc là vật trang sức ưa thích của người Nùng ở Hoàng Su Phì.
“Nghề chạm bạc rất kén người. Phải là người tỉ mẩn, nhẫn nại mới theo được nghề, vì tất cả các công đoạn để làm ra những sản phẩm đều đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì mới tạo ra được những họa tiết tinh tế”, nghệ nhân Cháng Thanh Tờ chia sẻ.
Dù đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người Nùng, nhưng các trang sức bạc truyền thống của đồng bào này từng đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Theo lời kể của ông Tờ, đó là vào thời điểm hơn chục năm về trước, khi những món trang sức mỹ kim tràn ngập trên các sạp hàng chợ huyện.
Những thanh niên Nùng khi đó bảo, làm chiếc vòng bạc theo truyền thống tốn hết một con trâu, ra chợ huyện mua chỉ mất vài trăm nghìn thì tội gì. Còn người già ngồi khâu vá thì chặc lưỡi, biết là chiếc cúc áo bướm bạc nó đẹp đấy, tổ tiên mình nghìn đời vẫn như thế nhưng nó đắt quá, tiền đâu mà mua đính vào áo, thôi thì dùng cúc nhôm đính vào, tổ tiên biết mình nghèo nên cũng bỏ qua.
Thời điểm đó, bởi cái nghèo mà những người thợ chế tác bạc như ông Cháng Thanh Tờ cũng chẳng thể làm gì khác. Trong số những người thợ cùng ông thời đó, chỉ có một vài người còn giữ được nghề, phần lớn đều chuyển sang công việc khác để kiếm sống. Thời điểm đó, ông Tờ không còn được thấy những cô dâu Nùng được khoác lên mình một bộ trang sức bạc truyền thống vào ngày cưới.
Điều đó khiến ông Tờ và nhiều người yêu văn hóa dân tộc không khỏi đau lòng, bởi ai có thể thay đổi được khi đời sống người dân trong xã còn khó khăn quá. Cái đói còn quẩn quanh thì cái đẹp, cái lễ nghi dù là truyền thống cũng sẽ bị mai một theo.
Việc chạm khắc bạc của người Nùng đòi hỏi sự tỉ mỉ và tinh xảo.
Khi cái đói dần bị xua đuổi, đời sống người Nùng ở Hoàng Su Phì khấm khá lên nhờ biết trồng cây chè, cây thảo quả thì người ta mới thấy được những giá trị truyền thống trong mỗi món trang sức bạc cần được gìn giữ. Nhiều vòng cổ có khắc hình các loại hoa lá, cá, chim thú, chụm đầu, vòng tay, cúc áo... trị giá trên 50 - 60 triệu đồng/bộ được nhiều người tìm đến ông Cháng Thanh Tờ đặt hàng.
Càng mừng hơn, trong một lần đi tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Hoàng Su Phì năm 2013 ở thị trấn Vinh Quang, ông Tờ đã gặp nghệ nhân Ly Sào Tin thôn Thinh Rầy, xã Nàng Đôn cũng là một người tâm huyết với nghề chạm bạc của người Nùng.
Gặp được bạn tâm giao, hai nghệ nhân đã trao đổi kinh nghiệm, các bí quyết và thống nhất với nhau rằng, vào ngày chợ phiên Vinh Quang (họp vào chủ Nhật hằng tuần) sẽ cho con cháu trong bản mình mang trang sức bạc xuống bán.
Nhờ nhân duyên đó mà từ đó, mỗi phiên chợ Vinh Quang người ta lại thỉnh thoảng bắt gặp những người phụ nữ Nùng đeo đầy các trang sức bạc rong ruổi bán cho bà con. Người mua thì ít, người xem thì nhiều nhưng hai nghệ nhân già cũng vui ra mặt, bởi ông cho rằng, có người xem chứng tỏ là người Nùng vẫn còn tha thiết với văn hóa của tổ tiên.
Tuy nhiên, theo ông Tờ, hiện nay ở trong các xã còn rất ít người còn biết được các bí quyết chế tác các đồ trang sức dành cho người phụ nữ Nùng trong ngày cưới. Ở gia đình ông, con cháu không ai có hứng thú với nghề này nên ông lo sợ, mai kia khi ông về với tổ tiên thì nghề chạm bạc của gia đình có nguy cơ thất truyền.
Dù vậy, ngày nay, nghề chạm bạc đã có nhiều thay đổi so với xưa nhờ sự hỗ trợ của các công cụ như: Lò nấu bạc bằng điện, máy cán, máy đánh bóng... khiến tốc độ làm ra một sản phẩm nhanh và đẹp mắt hơn. Khi kinh tế phát triển hơn thì nghề chạm bạc cũng phát triển theo và ngày càng đông khách. Cùng với xu hướng phát triển du lịch, bên cạnh việc gìn giữ nghề truyền thống, chạm bạc đang được định hướng làm ra các sản phẩm lưu niệm để phục vụ du lịch.
Những điều ít biết về dân tộc Nùng ở Việt Nam
Người Nùng ở Việt Nam là dân tộc có dân số đông thứ 7 với hơn 1 triệu người, sống phân tán ở tại 63 tỉnh thành phố. Người Nùng sống tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ như: Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… Dân tộc Nùng có truyền thống lịch sử phát triển lâu đời và hiện vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán văn hoá độc đáo, làm giàu thêm bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Dân tộc Nùng phân theo các hệ nhánh khác nhau như: Nùng Xuồng, Nùng Giang, Nùng An, Nùng Lòi, Nùng Phàn Sình, Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Quy Rịn, Nùng Dín. Người Nùng thường sinh sống theo từng bản, làng với số lượng từ 30 – 70 nóc nhà. Người Nùng dùng chữ Hán hay chữ Nôm Nùng (được phát triển khoảng thế kỷ XVII) để ghi chép thơ ca và truyện cổ dân gian.
Những đồng bạc chạm trang trí trên mũ của trẻ em Nùng.
Trước đây, hầu hết người Nùng đều mù chữ, chỉ có những người giàu có mới được đi học, nhưng là học chữ Hán hoặc tiếng Pháp, để làm thầy cúng, thông ngôn. Hiện nay, phần lớn người Nùng đều không biết viết chữ của dân tộc mình. Mọi người đều được học chữ quốc ngữ của người Việt.
Năm 1924, tiếng Nùng lần đầu tiên được ghi theo hệ chữ Latinh nhờ linh mục người Pháp François M. Savina. Viện Ngôn Ngữ Học Mùa Hè (Summer Institute of Linguistics) trước năm 1975 cũng có một bộ chữ cho người Nùng Phản Slình sống ở miền nam Việt Nam. Ở miền Bắc Việt Nam, có thêm phương án chữ Tày - Nùng dựa trên cơ sở chữ quốc ngữ từ năm 1961.
Giống như nhiều dân tộc khác ở Việt Nam, nhà ở của đồng bào Nùng chủ yếu gồm nhà sàn truyền thống và nhà đất, ngoài ra còn có loại nhà nửa sàn, nửa đất. Nhà của người Nùng thường khá to, rộng và lợp ngói máng. Nhà được chia làm hai phần bởi vách ngăn bằng gỗ. Phần trong đặt bếp, là nơi sinh hoạt của phụ nữ trong gia đình, phần ngoài dành cho nam giới và đặt bàn thờ tổ tiên.
Không sặc sỡ như một số dân tộc khác, trang phục của người Nùng khá đơn giản, các bộ trang phục thường làm bằng vải thô nhuộm chàm và hầu như không có thêu thùa trang trí. Nam giới mặc áo cổ đứng, xẻ ngực, có hàng cúc vải và thường có bốn túi hoặc hai túi. Phụ nữ mặc áo năm thân, cài cúc bên sườn, được trang trí bằng cách thêm miếng vải khác màu vào cổ tay áo và phía trước ngực.
Trong việc làm ăn, phát triển kinh tế người Nùng cũng lấy việc trồng lúa làm nguồn sống chính. Nhưng hình thức kinh tế tự nhiên hái lượm vẫn còn đậm nét trong cộng đồng dân tộc Nùng. Phụ nữ vào rừng, lên rẫy thường đeo bên mình cái giỏ nhỏ để thu hái các loại rau rừng, nấm, mộc nhĩ...góp phần làm phong phú cho bữa ăn hàng ngày.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, người Nùng còn làm thêm nhiều nghề thủ công, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Phụ nữ trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm…Nam giới làm nghề rèn, đúc, đan lát, làm đồ gỗ, làm giấy dó, làm ngói âm dương. Siêng năng trong lao động, hiếu kính với cha mẹ già, giàu lòng nhân ái là nét truyền thống tốt đẹp trong quan hệ gia đình của đồng bào dân tộc Nùng
Cộng đồng dân tộc Nùng có nhiều lễ hội, phong tục tập quán văn hoá độc đáo, trong đó lễ hội nổi tiếng thu hút được nhiều người, nhiều lứa tuổi khác nhau là hội ''Lùng tùng'' (còn có nghĩa là hội xuống đồng) được tổ chức vào tháng giêng hàng năm.
Dân tộc Nùng cũng coi trọng Tết Thanh Minh (Tết tảo mộ) còn gọi là Tết Hàn Thực được tổ chức vào ngày mồng ba tháng ba âm lịch hàng năm. Đây là tập tục có từ lâu để để tưởng nhớ tổ tiên, những người đã khuất. Đồng bảo Nùng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà bản sắc dân tộc.