No title...
No title...
No title...
Làm giàu từ Bò Vàng trên vùng Cao nguyên đá Hà Giang
Lượt xem: 512
CGTĐT - Bò Vàng hay còn gọi là Bò Mông thường được nuôi trên những đỉnh núi cao, tập trung tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần của tỉnh Hà Giang. Từ bao đời nay, Bò Vàng được coi là nguồn sinh kế chính, gắn với cuộc sống thường ngày của đồng bào người dân tộc H’Mông vùng cao. Nhận thấy được tiềm năng giá trị kinh tế của Bò Vàng, vận dụng linh hoạt các chủ trương của Đảng, chính sách của tỉnh về phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, anh Thượng Thái Cát - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Cát Lý đã mạnh dạn thực hiện chuỗi liên kết nuôi Bò Vàng vừa đảm bảo đầu ra, vừa gia tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân địa phương.

Sinh ra lớn lên từ mảnh đất Thuận Hòa thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, anh Thượng Thái Cát luôn trăn trở về một vùng quê còn nghèo nàn, cuộc sống của người dân còn quá nhiều khó khăn, vất vả. Với mong muốn tạo lập được vùng nguyên liệu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất nông sản sạch, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp tạo việc làm giúp đỡ người dân thoát nghèo, phát triển bền vững. Tháng 3 năm 2022, anh Thượng Thái Cát đã thành lập Hợp tác xã Cát Lý, anh Cát giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã.

Anh Thượng Thái Cát chăm sóc bò tại trang trại.

Với kinh nghiệm chăn nuôi, chịu khó học hỏi, kết hợp với ứng dụng công nghệ, Hợp tác xã Cát Lý đã xây dựng thành công mô hình liên kết chăn nuôi bò Vàng bền vững. Đồng hành cùng bà con chăn nuôi sản xuất, Hợp tác xã đứng ra hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, hỗ trợ thuốc thú y, quản lý truy xuất nguồn gốc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Quy trình chăn nuôi được thực hiện khép kín, gắn với hệ thống truy xuất nguồn gốc, đánh dấu xuất xứ, bảo tồn và duy trì giống bò quý hiếm. Mỗi con bò đều có mã QR code quản lý được gắn trên tai. Từ khâu chọn giống, chăm sóc đến bao tiêu đầu ra, chế biến sản phẩm đều được Hợp tác xã quản lý và theo dõi chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bò sau khi giết mổ sẽ được phân loại thịt và đóng gói hút chân không, chuyển đến thị trường tiêu thụ nên vẫn giữ được chất lượng, độ tươi ngon của sản phẩm.

406895161_881752480177757_9014588181447506132_n.jpg
Mỗi con bò trong trang trại của Hợp tác xã Cát Lý đều có mã QR code quản lý được gắn trên tai.

Với mô hình chuỗi giá trị liên kết chăn nuôi Bò Vàng, năm 2024, Hợp tác xã Cát Lý đã liên kết với bà con nông dân chăn nuôi, tiêu thụ được trên 1.500 con bò các loại, đồng thời cung ứng trên 500 con bò cái giống cho các hộ dân mới tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi sản phẩm đã đem lại doanh thu cho Hợp tác xã hàng chục tỷ đồng. Hợp tác xã Cát Lý hiện có 01 cơ sở chế biến cung cấp cho 03 điểm bán thịt bò tươi sống tại địa bàn thành phố Hà Giang và các tỉnh thành phố trong cả nước. 

319522600_443586814653866_7960912336400271760_n.jpg
Bò Vàng cùng cao Hà Giang có thân hình vạm vỡ, u vai nhô cao.

Giống bò Vàng có thân hình vạm vỡ, u vai nhô cao; tai to, lưng hơi võng, mông dài, chân cao, đỉnh trán có u gồ hoặc phẳng, vai có u gồ lên thuận tiện cho việc cầy kéo, sản xuất. Bò Vàng có sức đề kháng tốt, có khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt giá rét của vùng cao Hà Giang. Chất lượng thịt được các chuyên gia đánh giá sánh ngang với bò Kobe Nhật Bản. Bò Vàng thịt rất ngọt, mềm. Bò trưởng thành đủ tiêu chuẩn xuất chuồng thường từ 3 – 5 năm tuổi. Bình quân mỗi con nặng từ 450 đến 500 kg, có con đực nặng tới 700 kg. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bò Vàng Hà Giang. Đây là cơ sở quan trọng để các hộ chăn nuôi bò Vàng ở Hà Giang chú trọng phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo cơ cấu hợp lý, quy hoạch phát triển vùng. Bò vàng là giống bò được nuôi chủ yếu, chiếm trên ¾ tổng số bò của tỉnh Hà Giang, được phân bổ ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Sản phẩm thịt bò khô của Hợp tác xã Cát Lý.

Anh Thượng Thái Cát cho biết, Bò Vàng của Hợp tác xã được thực hiện theo quy trình chăn nuôi khép kín, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Với quy trình nuôi dưỡng khoa học, theo dõi nghiêm ngặt về chế độ dinh dưỡng, nguồn nước uống hàng ngày và được đội ngũ thú y chăm sóc sức khỏe đều đặn đã cho ra sản phẩm đặc sản thịt bò Mông mềm ngọt, giàu dinh dưỡng, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế săn đón, được giới chuyên gia đánh giá cao không hề thua kém so với sản phẩm nổi tiếng đắt đỏ nhất thế giới. Hiện anh Cát đang thực hiện ước mơ đưa Bò Vàng H'mông Hà Giang vươn xa thật xa tới bạn bè trong nước và quốc tế. Việc chăn nuôi theo quy trình khép kín tại trang trại của anh Thượng Thái Cát đã thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan, đặc biệt là du khách người Trung Quốc.

400607400_636689562010256_4977472875862887400_n.jpg
Nhà Hàng Bò Mông của anh Cát có địa chỉ tại Thôn Mịch A, xã Thuận Hoà, huyện Vị Xuyên hấp dẫn thực khách với các món ăn chế biến từ thịt Bò Vàng.

Bò Vàng không chỉ là một sản phẩm ngành Nông nghiệp mà còn là một thương hiệu mang đậm bản sắc văn hóa của người H’Mông. Có thể thấy tư duy sản xuất và phương thức chăn nuôi của người dân đã có sự chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn có hiệu quả kinh tế cao. Việc phát triển thương hiệu bò Vàng không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn quảng bá hình ảnh du lịch của Hà Giang. Giúp đồng bào người H’Mông ở vùng cao Hà Giang thoát nghèo bền vững. 

Với sự quan tâm của nhà nước và cộng đồng, giống bò này sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên việc phát triển nuôi bò trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Việc phát triển mở rộng các trang trại quy mô lớn gặp khó khăn do điều kiện kinh tế hộ còn hạn chế, địa hình phức tạp cũng gây khó khăn cho phát triển các vùng trồng cỏ tập trung quy mô lớn để chăn nuôi.

317600555_438268348519046_3274101936213672303_n.jpg
Hợp tác xã Cát Lý bàn giao bò thịt vỗ béo cho hộ chăn nuôi xã Thuận Hoà.

Những năm gần đây, Bò Vàng ở Hà Giang đã và đang được quan tâm duy trì và phát triển tổng đàn, chú trọng chất lượng để nâng cao giá trị. Tuy nhiên, giống bò này đang có nguy cơ bị suy thoái dần về giống do vấn đề cận huyết kéo dài. Hiện các cấp chính quyền đang chú trọng hướng dẫn người dân tuyển chọn giống bò bố mẹ chất lượng, đồng thời tập trung phát triển đàn bò theo chuỗi liên kết nuôi Bò Vàng nhằm giảm rủi ro trong phát triển chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Nguyễn Đoan
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1