No title...
No title...
No title...
Thành phố Hà Giang đẩy mạnh thực hiện Chuyển đổi số hướng tới xây dựng đô thị thông minh
Lượt xem: 62
CGTĐT - Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số (CĐS) trong tất cả các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, thời gian qua, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Giang đã đẩy mạnh công tác CĐS, ban hành các văn bản triển khai kịp thời chỉ đạo của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành trong thực hiện CĐS, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, tư duy và hành động, tạo đà trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện và bền vững.

Để triển khai hoàn thiện các nền tảng số trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số, thành phố đã ưu tiên nguồn lực phát triển chính quyền số, trọng tâm là phát triển và quản lý dữ liệu số. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thực hiện kết nối, chia sẻ, phân tích xử lý dữ liệu phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Công tác chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với cải cách hành chính nhằm xây dựng chính quyền số, hướng đến phát triển đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố bước đầu đã phát huy hiệu quả. Đến nay, thành phố đã triển khai đưa vào sử dụng 03 phân hệ (họp không giấy tờ, chỉ đạo điều hành, hệ thống báo cáo) thuộc Hệ thống điều hành thông minh tỉnh Hà Giang. Các hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai đạt hiệu quả tích cực. 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường đã khai thác, vận hành phần mềm quản lý và điều hành văn bản VNPTiOffice, tỷ lệ ký số văn bản đến nay đạt 99,55%. Trung tâm điều hành giám sát IOC thành phố được thành lập tháng 6/2020. Hiện nay đã triển khai tích hợp 476 mắt camera an ninh; đầu tư lắp 04 mắt camera tầm cao để giám sát toàn cảnh thành phố.

Toạ đàm tại Ngày hội TT Thành phố năm 2024.jpg

Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm CĐS trong Ngày hội truyền thông thành phố năm 2024.

Cùng với đó, Uỷ ban nhân dân thành phố đã tập trung rà soát, bố trí nguồn lực để đầu tư, đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trên địa bàn. Mạng số liệu chuyên dùng kết nối với tỉnh hoạt động ổn định; duy trì tốt hoạt động của 53 trạm phát sóng BTS, đảm bảo 101/101 thôn, tổ dân phố có đường Internet cáp quang, tỷ lệ phủ sóng di động, sóng truyền hình đạt 100%. Đảm bảo duy trì tốt đường truyền của hệ thống họp truyền hình trực tuyến liên thông từ Trung ương đến cấp xã, phường. Duy trì hoạt động có hiệu quả chuyên mục chuyển đổi số trên hệ thống Trang thông tin điện tử thành phố và Trang thông tin điện tử các xã, phường. Các cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố đã tiếp cận, sử dụng các ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube để trở thành một kênh truyền thông, phổ biến. Thực hiện truyền thông chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, văn hoá, thể thao, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, triển lãm nông sản, duy trì các kênh truyền thông số trong cộng đồng và an toàn thông tin trong chuyển đổi số. Kết quả có 199/199 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú sử dụng phương tiện quảng bá, thu hút khách du lịch trên các nền tảng facebook, youtube, TikTok, webside; 101/101 thôn, tổ dân phố có đường Internet cáp quang, tỷ lệ phủ sóng di động, sóng truyền hình đạt 100%; tổng số người dân sử dụng thẻ CCCD thay thẻ BHYT khám chữa bệnh 6.793/6.804 lượt, đạt 99,8%… 

Để CĐS trở thành một xu hướng trong nhân dân, Thành phố chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức sôi động, thiết thực. Tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng về CĐS cho lãnh đạo quản lý các cấp, Tổ công nghệ số cộng đồng, cán bộ chuyên môn, Đoàn viên thanh niên, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn thành phố. Cử cán bộ phụ trách chuyển đổi số thành phố tham gia lớp đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số như: Đào tạo về hạ tầng số và đô thị thông minh; đào tạo, diễn tập an toàn thông tin; đào tạo chuyên gia về chuyển đổi số; tham gia hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số. Hướng dẫn Tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, phổ biến công tác CĐS tới từng hộ gia đình, nhằm tăng khả năng tương tác, chia sẻ, lan tỏa thông tin. Vừa qua, UBND thành phố Hà Giang được vinh dự là một trong 9 tập thể trong toàn tỉnh được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích suất sắc trong công tác CĐS. Đảng bộ Thành phố Hà Giang được trao giải Khuyến khích tại Cuộc thi trực tuyến về chuyển đổi số với chủ đề: “Xây dựng công dân số Hà Giang”.

IMG_0127.JPG

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Song Hà phát biểu chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện chuyển đổi số của thành phố Hà Giang tại Hội nghị bàn các giải pháp thúc đẩy Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Song Hà cho biết: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà trên tiến trình CĐS toàn diện và bền vững giai đoạn tiếp theo, Uỷ ban nhân dân Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, trong đó sẽ phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu thúc đẩy CĐS theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực phục vụ sự phát triển chung của quốc gia; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, chống tham nhũng, tiêu cực trong CĐS. Tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc “5 đẩy mạnh”, “5 đảm bảo”, “5 không” trong CĐS quốc gia. Đảm bảo triển khai công tác CĐS và Đề án 06 đồng bộ, hiệu quả. Đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiết kiệm, giảm phiền hà, hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà nước. Bên canh đó Thành phố sẽ quán triệt thực hiện tốt “5 không”: Không nói không, Không nói khó, Không nói có nhưng không làm; Không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia; Không dùng tiền mặt; Không giấy tờ; Không để người dân, nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính.

Chuyển đổi số không đơn thuần là giải pháp kỹ thuật mà mục tiêu chính là thay đổi mô hình quản trị, thay đổi cách làm việc và phục vụ của các cơ quan Nhà nước; là việc kiến tạo các sản phẩm mang giá trị mới, dịch vụ mới từ các doanh nghiệp dựa trên dữ liệu và là thay đổi thói quen sử dụng, trải nghiệm mới của người dân trên môi trường số. Việc triển khai thực hiện các giải pháp CĐS hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện toàn diện, tổng thể từ việc triển khai xây dựng chính quyền số đến thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Với những nỗ lực, sự đồng lòng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân, thành phố Hà Giang chắc chắn sẽ tiếp tục giữ vững là địa phương đi đầu, gương mẫu trong công tác CĐS của tỉnh.

Nguyễn Đoan
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1